Tinh Hoa

Triển lãm cơ thể người: Xin phép mẫu nhựa, triển lãm xác thật?

Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm vô nhân đạo. Đáng lưu ý, đơn vị cấp phép là Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết hồ sơ xin cấp phép ghi chất liệu mẫu vật là… nhựa.

Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người đang gây tranh cãi. (Ảnh từ DNSG)
 Mẫu vật triển lãm: Thật hay giả?

Hôm 3/7, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về triển lãm nội tạng và cơ thể người tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM (từ 21/6 – 31/12), Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại VN) cho biết mô hình triển lãm này mang tính đột phá trong hoạt động giáo dục sức khỏe cộng đồng, kết hợp giáo dục khoa học và cung cấp thông tin về giải phẫu, sinh lý học cũng như sức khỏe đời sống thông qua các mẫu vật từ cơ thể người thật, thực hiện bằng công nghệ Plastination được phát triển bởi tiến sĩ người Đức Gunther Von Hagens.

Theo Mega Vina, các mẫu vật được trưng bày trong triển lãm là hợp pháp và không thể tiết lộ nguồn gốc của mẫu vật vì: “Những thông tin về tình trạng và bệnh lý của mẫu vật được xác nhận bởi viện giải phẫu và bệnh lý từng quốc gia của người tình nguyện hiến tạng. Và trong các văn bản thỏa thuận hiến tạng tự nguyện, chúng tôi được yêu cầu bảo đảm nguyên tắc vô danh, tức là phải hoàn toàn bảo mật toàn bộ thông tin về danh tính, quốc tịch và nguyên nhân cái chết”. Mega Vina cũng cho biết: “Những mẫu triển lãm phôi thai, thai nhi là những mẫu hiến tặng khoa học với sự đồng ý của bố mẹ và gia đình”.

Nếu quả thực là triển lãm có những bào thai các kích cỡ được trưng bày thì nó quá phản cảm với văn hóa truyền thống. Tại sao Sở VH-TT TP.HCM lại cấp phép cho triển lãm đó? Tôi nghĩ là trường hợp này Sở VH-TT TP.HCM nên kiểm tra, nếu thực sự là thi thể thật và gây phản cảm thì nên dừng”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) bày tỏ.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Thanh Niên vào chiều 3/7, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, cho biết: “Khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép, chúng tôi căn cứ theo quy định chung mà làm và thấy các nội dung xin triển lãm không có gì cấm cả. Ở góc độ quản lý nhà nước, tôi thấy khi có một đơn vị làm và mong muốn mang đến những cảnh báo cho con người để tránh những điều dẫn dắt đến bệnh tật, tôi cho rằng đó là mục đích tốt. Thứ hai, việc chọn địa điểm ở Nhà văn hóa Thanh niên để trưng bày những cái mới như thế này thì tôi ủng hộ vì đây là nơi có nhiều hoạt động mang tính chất định hướng và tiêu biểu, đối tượng đa số là những thanh niên trẻ của các trường trung học và đại học…”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề đang gây tranh cãi là việc triển lãm những xác người thật là không phù hợp với văn hóa nước ta, ông Nam cho rằng không thể có chuyện đó vì hồ sơ xin cấp phép ghi chất liệu mẫu vật là nhựa. “Toàn bộ là sợi polymer hết”, ông Nam khẳng định. Theo ông Nam, triển lãm này gây tranh cãi vì “Nó mới nên sẽ có luồng dư luận này kia” “Nếu sự thật có quy trình làm từ xác người thật thì lại là chuyện khác, chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.

Lấy mô, tạng hiến, tặng để kinh doanh là vô nhân đạo

Theo ban tổ chức, tính đến nay, sau hơn 10 ngày mở cửa, triển lãm đã có hơn 6.000 khách tham quan, giá vé 200.000 đồng/người.

Về việc các mẫu vật được cho là từ cơ thể người thật, GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng VN, đặt vấn đề: “Trước tiên cần nhấn mạnh là đối với mô, tạng, bộ phận cơ thể người được hiến, tặng thì không được lấy làm kinh doanh. Việc đem bộ phận cơ thể người hiến tặng cho y học để kinh doanh, vụ lợi là vô nhân đạo”.

Cũng theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, người xem chỉ xem lướt qua thì khó mà đạt được những gì như mục đích triển lãm đề ra. Chỉ sinh viên y khoa, bác sĩ mới hiểu rõ; chưa nói việc này còn có thể gây sợ hãi cho một số người xem. Nếu để triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục về ý thức như trên thì có thể triển lãm bằng những mô hình hay hình vẽ y như thật cũng được, chứ không nhất thiết phải lấy cơ thể của người hiến, tặng mô tạng đi triển lãm như thế. Việc này có thể khiến những người hiến, tặng mô tạng hoặc người thân của họ hoài nghi, bất bình, làm ảnh hưởng đến việc hiến, tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người cho y học.

TS công nghệ sinh học Đào Duy Phong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng, cho rằng: “Tôi có đọc những tài liệu cho thấy ở nước khác, tiền thu về từ việc nhựa hóa như thế là con số khổng lồ. Ở Mỹ, cũng đã từng có điều tra về nguồn gốc thân thể nhựa hóa. Và người ta khá vòng vo về nguồn gốc này”.

Theo ông Phong: “Việc lấy thân xác của người đã mất ra để làm triển lãm như thế thật sự là không nên. Nó đảo lộn trật tự, giá trị thuộc về văn hóa truyền thống và đạo đức”.

Cùng ý kiến như trên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), khẳng định: “Trưng bày gân cơ xương của người đã khuất như thế đặt ở môi trường như trường y, bệnh viện cho một đối tượng riêng biệt thì không có vấn đề gì. Nhưng với công chúng đại trà thì nó thực sự có tính phản cảm và gây cảm giác ghê rợn. Nó đi ngược lại văn hóa truyền thống, nhất là khi ở VN, tình mẫu tử, thân thể, thai nhi về mặt tình cảm cũng được thiêng hóa đến mức các bào thai cũng được cầu siêu. Có nghĩa là các thi thể đó mang tính tâm linh. Tôi nghĩ không một gia đình nào đồng ý để trưng bày như thế”.

Theo Thanhnien.vn