Theo nhà vật lý học nổi tiếng thế giới – Stephen Hawking, “Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất”. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng họ đã lo quá xa khi AI đang giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta.
Mối đe dọa có khả năng sẽ trở thành sự thật khi các nhà khoa học đã phải họp nhau lại trong một sự kiện nhằm kêu gọi mọi người phải thận trọng trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Và dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này:
Theo Daniel Dewey, một nhà nghiên cứu tại Viện Tương lai nhân loại:
Điều đáng lo ngại nhất đối với AI (AI – Artificial Intelligence) chính là các giới hạn. Chúng ta thiết kế những cố máy và lập trình AI để phục vụ con người, tuy nhiên việc lập trình AI để chúng không vượt qua các nguyên tắc mà con người nhận thức được không phải là điều đơn giản.
Ví dụ như chúng ta tạo ra một AI với mục đích chăm sóc sức khỏe và làm con người hạnh phúc. Sẽ có những yêu cầu của người được chăm sóc là sai trái, nhưng để làm họ hạnh phúc có thể các AI vẫn sẽ thực hiện. Vậy làm thế nào để các AI nhận thức được đúng và sai, khi mà chính con người chúng ta đôi khi còn không thể phân biệt được?
Theo Bill Joy, người đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của Sun Microsystems:
Có một vấn đề rất lớn đối với xã hội loài người khi AI trở nên phổ biến, đó chính là chúng ta sẽ bị lệ thuộc. Khi AI trở nên hoàn thiện và thông minh hơn, chúng ta sẽ nghe theo những quyết định của máy móc, dựa vào các số liệu máy tính đưa ra để quyết định.
Dần dần chúng ta sẽ ngày càng lệ thuộc vào máy móc và không thể tự quyết định, như thế khi xã hội và các vấn đề ngày càng phức tạp hơn, con người sẽ lại không còn khả năng tự giải quyết. Khi AI thay thế con người trong tất cả mọi việc, đó là lúc con người bị đào thải.
Theo Stuart Armstrong, nhà triết học và nghiên cứu tại Viện Tương lai nhân loại, Oxford:
Tác động đầu tiên của trí tuệ nhân tạo mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là lượng thất nghiệp tăng cao. Nếu AI phát triển hoàn thiện tới mức có khả năng thay thế con người trong các công việc trí tuệ như chăm sóc sức khỏe, phục vụ, sản xuất theo dây chuyền tự động, công việc văn phòng …
Lúc đó chúng ta có thể gọi điện đến các nhà máy sản xuất robot và yêu cầu họ tạo ra 10.000 ‘nhân viên’ kỹ thuật cao trong 100 ngành nghề khác nhau chỉ trong 1 tuần. Đó là tin vui cho các chủ doanh nghiệp, nhưng những người lao động sẽ bị mất việc làm và không thể nuôi sống bản thân cũng như gia đình.
Theo Mark Bishop, giáo sư khoa nhận thức điện toán trường đại học London:
Tôi đặc biệt quan tâm đến việc triển khai công nghệ AI trong quân sự. Những hệ thống không người lái có thể giúp các quốc gia tham chiến mà không tổn thất một binh sĩ nào.
Tuy nhiên, khi con người chấp nhận sử dụng AI trong quân sự, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự mình tiến một bước đến sự diệt vong. Các cỗ máy sẽ ra sao nếu chúng gặp sự cố và chúng ta mất quyền kiểm soát? Trí tuệ nhân tạo này có thể gây nên hậu quả khủng khiếp, thậm chí hủy diệt loài người.
Theo Andrew Maynard, nhà vật lý và là người giám đốc Trung tâm nghiên cứu rủi ro khoa học tại đại học Michigan:
Bộ quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu dự án Autonomous Tactical Robot (EATR), theo đó, bằng việc sử dụng công nghệ nano, các robot có thể hấp thụ năng lượng cho ‘cơ thể’ mình bằng những chất hữu cơ như: xác người hay động vật.
Đó thực sự là mối đe dọa lớn nhất, khi các robot nano tự tạo ra năng lượng bằng cách ăn các chất hữu cơ từ cây cối và động vật, thậm chí từ xác người. Chuyện này nghe có vẻ giống như trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và có lẽ chúng ta nên bắt đầu lo sợ ngay từ bây giờ.
Theo Genk