Qua thống kê, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết mỗi năm đều tiếp nhận từ 20 – 30 bệnh nhi bị đột quỵ do bệnh Moyamoya, trong đó có trẻ liệt nặng, hôn mê khi nhập viện.
Báo VnExpress ngày 25/3 đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa phẫu thuật thành công, cứu sống trường hợp một bé gái 5 tuổi, ở Đăk Nông, mắc bệnh Moyamoya hiếm gặp.
Gia đình của bé cho biết, vào khoảng 6 tháng trước, bé bắt đầu có biểu hiện yếu tay chân trái đột ngột rồi tự hồi phục. Tình trạng này lặp lại nhiều lần và mỗi ngày thêm nặng. Đầu tháng 3, khi nhập viện bé lanh lợi, tỉnh táo, ăn uống tốt, nhưng mỗi lần khóc hoặc vận động mạnh bé lại có nhiều cơn đột quỵ lặp lại.
Quá trình theo dõi, thăm khám, các bác sĩ thấy bé bị tổn thương cả hai mạch máu chính của não do bệnh Moyamoya.
Moyamoya là bệnh lý mạch máu não bị viêm vô căn, gây tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Theo thời gian, não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do thiếu máu dẫn đến tử vong. Đây chính là một trong số các nguyên nhân chính gây ra đột quỵ ở trẻ em.
Ngày 11/3, bệnh nhi được phẫu thuật, sau mổ 24 giờ, bé cai máy thở, vết mổ khô. 5 ngày sau, bé đã có thể xuất viện.
Bác sĩ Phan Minh Trí, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, trường hợp trên là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong số ba bệnh nhân Moyamoya đầu tiên được phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật mới tại bệnh viện. Khoảng 6 tháng sau, khi tuần hoàn tưới máu não bên phải hoạt động ổn định, mạch máu tắc còn lại sẽ được tiếp tục sửa chữa tiếp. Như vậy, khi hoàn thành, bé có thể trở về cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Trí, trước nay mọi người vẫn quan niệm đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, rất ít gặp ở trẻ em là “sai lầm và vô cùng tai hại”. Trẻ em cũng có nhiều nguy cơ dẫn đến cơn đột quỵ, bệnh Moyamoya chính là một trong những nguyên nhân đó. Tỷ lệ mắc Moyamoya là 1/100.000 trẻ, thường gặp trong lứa tuổi từ 5-10 tuổi.
Triệu chứng đột quỵ ở trẻ mắc Moyamoya khá nhẹ, thường có các biểu hiện dễ nhầm lẫn với việc con lì lợm, lười học, hoặc có vấn đề tâm lý, ví dụ như uể oải, thõng tay, yếu liệt đúng vào giờ học, khi bị đánh đòn, khi khóc hoặc vận động thể lực mạnh.
Trước đây, các ca bệnh Moyamoya thường khó chẩn đoán chính xác và tiên lượng xấu. Rất mắn, hiện nay bệnh đã có thể điều trị được bằng vi phẫu. Bệnh có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó phương pháp bắc cầu mạch máu gián tiếp trong và ngoài não được xem là hữu hiệu nhất.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy con trẻ có các biểu hiện như đau đầu kéo dài, tái phát nhiều lần, yếu, tê hoặc dị cảm ở mặt, tay, chân, động kinh nhưng không liên quan sốt, rối loạn thị giác, xuất hiện những vận động không chủ ý, khó nói hoặc chậm hiểu hơn thông thường, suy giảm nhận thức… cần được đưa đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để khám và điều trị kịp thời.
Yên Yên (t/h)