Tinh Hoa

Trào lưu rời xa điện thoại của giới trẻ Mỹ

Trào lưu rời xa điện thoại di động và các thiết bị điện tử đang trở nên phổ biến ở Mỹ hơn bao giờ hết khi mà người dân bắt đầu ý thức được tác hại của “chú dế” tới cuộc sống thực tế của mình.

Trò chơi “Phone Stack”

Michael Carl (thứ 2 từ trái) đang cùng bạn bè chơi trò “Phone Stack”.
Mỗi khi Michael Carl, giám đốc thị trường thời trang tại Vanity Fair, ra ngoài ăn tối cùng bạn bè, họ lại chơi trò “Phone Stack”.  Mọi người phải đặt điện thoại xếp chống lên nhau và để ở giữa bàn. Người nào sử dụng điện thoại đầu tiên sẽ phải thanh toán tiền cho cả nhóm. Trò chơi này được xem là cách để mọi người cảm thấy vui vẻ, gần nhau hơn và tránh “làm việc riêng” trong bữa ăn.
(Ảnh minh họa)

Trò chơi này trở nên phổ biến sau khi Brian Perez, một vũ công ở Los Angeles đăng ý tưởng của mình lên trang Tumblr.

Theo New York Times, bằng cách không sử dụng điện thoại trong bữa ăn, tắt các thiết bị di động sau 23h, những người sử dụng điện thoại sẽ cải thiện đáng kể các mối quan hệ của mình cũng như duy trì được sự minh mẫn cần thiết.

(Ảnh minh họa)

“Giới trẻ sử dụng điện thoại ở mọi lúc mọi nơi. Điều đó làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người xung quanh. Đối với tôi, không gian riêng tư là quan trọng hơn cả”, Lesley MM Blume, một nhà văn ở New York chia sẻ.

Để điện thoại trong hộp có khóa

Một cách phổ biến khác để mọi người rời xa chiếc điện thoại  là đặt điện thoại vào trong một cái hộp và khóa lại.

Holley, một phụ nữ sống ở Red Hook, Brooklyn, New York nói:”Nếu điện thoại rung hoặc phát sáng, nó sẽ làm tôi mất tập trung, cách tốt nhất là để nó vào trong một cái hộp có khóa. Tôi không muốn con trai thấy tôi sử dụng điện thoại khi dành thời gian cho gia đình”.

Rebecca Minkoff

Rebecca Minkoff, một nhà thiết kế thời trang thường tắt chuông và cất hai chiếc điện thoại vào một hộp kín mỗi khi chơi với cậu con trai 2 tuổi. “Công việc của tôi rất bận, cất điện thoại không phải là điều dễ dàng nhưng tôi muốn dành cả buổi tối bên con”.

Giờ giới nghiêm

Ari Melber, người dẫn chương trình The Cycle của MSNBC sống cùng vợ tại căn hộ ở Brooklyn, New York cho biết, “Tôi đưa ra quy định, màn hình các thiết bị kỹ thuật số sẽ tắt sau 23h.  Sau khi thực hiện điều này, chúng tôi cảm thấy đầu óc thư thái và ngủ ngon hơn vào buổi tối”.

Ari Melber

Ở Mỹ, các bậc cha mẹ rất coi trọng bữa ăn tối vì đó là khoảng thời gian cả gia đình ở bên nhau. Chính vì vậy Josh Pickard, chủ sở hữu một nhà hàng cũng cấm các con là Lottle 17 tuổi và Jack 13 tuổi mang điện thoại đến bàn ăn.

“Đây là kỳ nghỉ của bố dành cho gia đình, chúng ta hãy ngừng sử dụng các thiết bị di động và dành thời gian cho nhau”, Josh nói.

Peter Davis

Peter Davis, biên tập viên tạp chí Scence đã tổ chức một bữa tiệc tối tại West Village và yêu cầu khách mời của mình để điện thoại vào một cái bình. Trong khi mọi người còn đang ngần ngại, Davis nói với khách rằng, hãy để người khác quản lý điện thoại của quý vị.

“Trừ khi bạn làm công việc quan trọng như trực điện thoại hay bác sĩ còn không thì không ai thực sự cần điện thoại trong khoảng thời gian nghỉ ngơi này”, Peter nhận định.

Nơi giữ điện thoại di động tại một nhà hàng. Ảnh: New York Times

Mindy Weiss, một người chuyên tổ chức các sự kiện nổi tiếng tại New York và Los Angeles cho biết, việc không sử dụng điện thoại trong các sự kiện dường như đã trở thành một quy định. Khi khách có nhu cầu cần thiết phải sử dụng điện thoại thì họ sẽ được yêu cầu di chuyển ra một khu vực khác để nhận cuộc gọi.

“Cách tốt nhất để hạn chế việc lạm dụng sử dụng điện thoại di động là làm cho mọi người hiểu được tác hại của chúng đối với đời sống con người. Trong phạm vi nhất định, chúng ta nên sử dụng các biển báo cấm sử dụng điện thoại”, Bronson van Wyck, một người chuyên tổ chức sự kiện cho biết.

Lesley MM Blume

“Việc sử dụng điện thoại di động ở nơi công cộng đang trở nên phổ biến trong xã hội. Đó là hành vi thiếu văn hóa. Vì vậy, chúng ta nên học cách cư xử có văn hóa”, nữ nhà văn Blume chia sẻ.

Theo Zing