Dù mới xuất hiện một thời gian ngắn nhưng tựa game thực tế ảo Pokémon Go lại gây ra một cơn sốt ‘kỳ lạ’ đối với giới trẻ khắp mọi nơi. Vậy điều gì đã tạo nên sức hút phi thường như vậy?
Pokémon từng gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Ở Việt Nam, chắc chắn các 8X, 9X vẫn nhớ thời tiểu học say sưa với những con Pokémon bằng nhựa, thú sưu tầm thẻ Pokémon hay bộ truyện tranh Pokémon.
Bằng cách khơi dậy tuổi thơ của dân mê Pokémon ngày nào, hãng Nitendo đã có một lượng fan khổng lồ sẵn sàng chi trả chi phí cho trò chơi mà không cần quáng bá nhiều.
Việc tung trò chơi Pokémon Go trên toàn thế giới cũng là lý do game online này được ưa chuộng. Giờ đây, một “thợ săn” tại Việt Nam có thể cập nhật được tình hình Pokémon tại Paris (Pháp), hay biết rằng ở Tokyo (Nhật Bản) nhiều người cũng đang mải miết “ấp trứng” như mình.
Những game khác thường bị lên án vì khiến người chơi ngồi ì một chỗ, từ chối việc luyện tập thể dục thể thao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, Pokémon Go lại yêu cầu “thợ săn” phải liên tục vận động, tìm kiếm, chiến đấu, di chuyển để nhanh chóng sở hữu các con thú ảo.
Với nhiều loài thú hiếm, “thợ săn” đôi khi phải đi bộ quãng đường lên đến 10 km mới có thể hoàn thành quá trình “ấp trứng”. Đường đi càng xa, tìm được nhiều loài Pokémon, phần thưởng càng hấp dẫn. Còn gì tuyệt bằng vừa được đi bộ tập thể dục, vừa chiếm được một chú thú “hàng hiếm” đúng không nào?
Nhờ vận dụng khéo léo công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR), hãng Nintendo khiến Pokémon Go không chỉ nằm trên những chiếc điện thoại. Với vai trò là huấn luyện viên, người chơi sẽ phải đi tới nhiều dấu mốc trên bản đồ và nhanh chóng phát hiện ra địa điểm chưa từng biết trước đó.
Chỉ vài ngày sau khi Pokémon Go trở nên phổ biến, các game thủ Việt đã phát hiện ra, “thú ảo” tập trung chủ yếu ở các đền, chùa, di tích lịch sử, khu vực vui chơi công cộng như bốt Hàng Đậu, Văn Miếu – Quốc tử giám, công viên Nghĩa Đô…
Những câu nói như “Lần đầu tiên biết có chùa nằm ở đây đấy”, “Lâu lắm mới bước vào công viên này”… dần trở nên phổ biến.
Theo quy tắc của trò chơi, những con Pokémon mệnh Mộc sẽ xuất hiện gần vườn cây, công viên, Pokémon mạng Thủy sẽ ở những nơi có nước như ao, hồ. Vậy là game thủ tha hồ lên rừng, xuống biển, đi phượt để săn thú.
Chắc chắn nhiều người khi còn bé từng mơ một lần được trải nghiệm cảm giác “thợ săn”, ném PokeBall tóm gọn một loài thú ảo. Giờ đây, công nghệ đã giúp chúng ta chỉ cần vuốt điện thoại để có cảm giác ấy. Nhiều người trẻ coi Pokémon Go là “giấc mơ thành hiện thực”.
Pokémon Go là game có tính kết nối cộng đồng rất cao. Không chỉ đi bắt thú hay ấp trứng, nó còn cho phép người chơi chiến đấu, giúp đỡ, trò chuyện với những người chơi khác để chia sẻ kinh nghiệm hay giao lưu cách chơi. Mới đây, có hơn 2.000 người cùng tụ tập tại nhà hát Opera House (Sydney, Australia) để cùng nhau bắt Pokémon.
Thế nhưng, trái lại với Pokémon Go team, những người không chơi không thể hiểu được sức hút kỳ lạ của việc bắt thú, ấp trứng, chiếm phòng gym hay mua sắm đồ chiến đấu. Họ cho rằng, game này sẽ nhanh chóng lụi tàn vì “quá vớ vẩn” và “không mang lại ích lợi gì”.
Một lưu ý với các “thợ săn” – hãy biết cách chơi thật văn minh và có ý thức: Không bắt Pokémon khi đang di chuyển trên đường, không vừa dùng điện thoại vừa chơi điện tử, không đột nhập vào địa danh hay nhà riêng chỉ vì một con “thú ảo”. Hãy để Pokémon Go trở thành trò chơi thú vị và ý nghĩa.
Theo Zing News