Cổ nhân nhấn mạnh việc con người hành xử chiểu theo Thiên lý và nâng cao phẩm chất đạo đức. Nhiều kinh sách nhấn mạnh về tích đức hành thiện sẽ nhận được phúc báo. Ngược lại nếu làm việc xấu, ắt sẽ nhận phải trừng phạt, có thể hủy hoại công danh chỉ trong một sớm.
Đinh Vị (966-1037), được coi là một “nịnh thần” nổi tiếng trong triều đại nhà Tống, từng được phong làm Tấn quốc công, cho nên trong vài bút ký của người Tống còn gọi ông là Đinh Tấn Công. Trong “Di Kiên Chí” có kể lại, Đinh Tấn Công vốn là người Giang Tô huyện Trường Châu (nay là Tô Châu), con cháu của ông về sau chuyển đến Kiến An (một quận của Phúc Kiến), tích trữ gia sản, có chút hào thịnh.
Trong đám con cháu của Đinh gia, có một thiếu niên anh tuấn hào sảng, tên là Đinh Thực. Người này rất tài hoa, nhưng có một khuyết điểm đó là mê đánh bạc. Có khi đánh bạc thắng xong ra ngoài chơi, tiện tay tiêu hết tiền không còn một cắc.
Cha của Đinh Thực nhiều lần răn dạy, nhưng anh ta vẫn chứng nào tật nấy, nên người cha tức giận, đem trói anh ta lại, nhốt trong phòng trống, không cho ăn uống, hy vọng đứa con này có thể tự mình ăn năn hối lỗi.
Thế nhưng, có lão bà trong nhà thấy anh ta đáng thương, đã lén lút thả đi. Đinh Thực mượn họ hàng một ít tiền làm lộ phí, lên đường đến kinh thành. Anh thi vào thái học viện, xếp vào danh sách đỗ hương cống.
Năm Hi Ninh thứ chín (1076) thời Bắc Tống Thần Tông, Đinh Thực đến chùa Tướng Quốc. Tại đây có một vị thầy bói, rất giỏi nhìn tướng mạo, mỗi lần xem đều rất linh nghiệm, cho nên người tìm tới ông ta đông nườm nượp. Trong đó, có không ít là thư sinh, mục đích đến để hỏi về về tương lai tiền đồ. Đinh Thực cũng vì chuyện đó mà đến.
Thầy tướng nói: “Xem khí sắc của cậu rất tốt. Ta xem tướng cho rất nhiều người, vẫn chưa thấy ai được như cậu, lần này cậu nhất định sẽ làm trạng nguyên thiên hạ”. Ông liền viết một hàng chữ to lên trang giấy: “Trạng nguyên năm nay là Đinh Thực”. Đinh Thực nghe xong, dương dương đắc ý, có chút tự phụ.
Đinh Thực sau đó có quen biết được hai sĩ tử người Tứ Xuyên cũng đến kinh thành chuẩn bị tham gia cuộc thi. Bọn họ mang theo bên mình rất nhiều tiền của, cũng rất thích đánh bạc. Đinh Thực mời hai sĩ tử này đến tửu lâu, vào một gian phòng rồi cùng nhau đánh bạc. Ba người càng đánh càng nghiện, tiền cược càng lúc càng cao. Đinh Thực trong một ngày thắng được 600 vạn tiền, sau khi thu đủ, anh ta trở về chỗ ở trong kinh thành.
Qua hai ngày sau, anh ta lại đến sạp của vị thầy tướng số kia. Thầy bói vừa nhìn tướng mạo của anh ta thì kinh ngạc: “Tinh thần khí sắc của cậu hôm nay không còn bằng lúc trước. Làm sao còn dám mơ tưởng xa vời ngôi vị trạng nguyên thiên hạ nữa đây? Ài, thật sự làm mất công ta xem cho cậu”.
Đinh Thực hỏi vị thầy bói: “Tại sao mới chỉ có hai ngày mà tôi lại mất đi danh phận trạng nguyên như thế?”
Thầy bói nói: “Xem tướng trước tiên đều là xem thiên đình (giữa trán), nếu như khí sắc sáng sủa tươi tắn, sẽ là đại cát. Mà hôm nay, khí sắc của cậu buồn tẻ u ám, có phải là cậu tâm địa bất thiện, vì giành món lợi lớn mà làm chuyện bất nghĩa, phụ lòng Thần linh hay không?”.
Đinh Thực nghe xong hoảng sợ, liền kể lại chuyện đánh bạc cho thầy bói nghe, còn hỏi thêm: “Nếu như ta hiện giờ lấy tiền thắng bạc trả lại hết cho bọn họ, liệu có thể cứu vãn được gì không?”.
Thầy bói nói: “Nếu cậu đã bắt đầu sinh thiện tâm, Thần linh tự sẽ nhìn thấy. Nếu như cậu quả thật thành tâm ăn năn, còn có thể đạt được giáp khoa, chỉ có thể đứng dưới năm người”.
Đinh Thực liền tranh thủ đi tìm hai sĩ tử kia, đem số tiền trả lại đầy đủ cho bọn họ, không dám tham những món lợi bất chính như thế nữa. Sau này khi yết bảng, thứ bậc của Đinh Thực quả đúng như lời của thầy tướng, xếp vị trí thứ sáu.
(Theo “Di Kiên Chi Đinh Chí” cuốn bảy)
Tuệ Tâm, theo Epoch Times