Mới đây, nhiều trạm BOT đã đổi bảng trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” sau thời gian dài bị phản đối kịch liệt do nhiều bất cập. Vậy hành động đó liệu có thể giúp giải quyết được gì trong vấn đề “nóng” này?
Thời gian qua, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có lẽ chưa bao giờ cái tên BOT lại “nóng” đến như vậy, khi hàng loạt trạm BOT trên khắp cả nước bị người dân phản đối kịch liệt do nhiều bất cập trong việc thu phí, đặt khoảng cách hai trạm không đủ 70 km, cấm dừng quá 5 phút tại trạm, không đi tuyến tránh nhưng vẫn đóng phí,…
Trong khi các băng-rôn, biểu ngữ “Chúng tôi không đi đường BOT tại sao phải trả phí”, “Hãy trả tiền cho người dân nghèo hơn 20 năm đóng phí” vẫn còn chưa “nguội” thì cánh tài xế, người dân lại tiếp tục được một phen “bắt buộc phải quan tâm” khi “trạm thu phí” được đổi thành “trạm thu giá“ BOT.
Vậy, vì sao lại có sự chuyển đổi thuật ngữ này? Bản chất có gì khác nhau? Lãnh đạo, người dân và luật sư nói gì về vấn đề này,…?
Theo lý giải của ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), tên trạm BOT chuyển đổi từ “phí” sang “giá” là do quy định tại Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Ông Quốc cho biết trước khi luật có hiệu lực, tất cả các dự án có thu phí BOT đều dùng khái niệm “thu phí”. Thẩm quyền quyết định mức phí thuộc về Bộ Tài chính và mỗi dự án sẽ có một thông tư riêng về việc thu phí, mức phí cũng như lộ trình tăng phí.
Tuy nhiên, sau khi Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành, mức giá cụ thể đối với từng dự án BOT sẽ do Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp thống nhất tại hợp đồng trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa được quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.
“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính” – ông Quốc cho hay.
Còn theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. “BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước“.
Theo Bộ trưởng, việc thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương và bộ ngành liên quan, do đó trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT thì rất khó khăn và chậm, do phải thông qua các cơ quan đó. Khi chuyển sang “thu giá”, về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tuỳ theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.
“Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn“, Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng tình về việc chuyển từ “thu phí” thành “thu giá”. Theo người dân nên gọi là thu phí cho thuần Việt, không nên “đánh tráo khái niệm”, “giá” với “phí” cho khó nghe, không đúng bản chất là “thu phí”.
Một người dân phân tích, sở dĩ có việc đổi tên này là vì theo luật, trên khu vực tỉnh, thành phố nếu thu phí thì mức thu phí sẽ do HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định. Vậy nếu để HĐND các tỉnh, thành phố quyết định mức thu này thì mức giá thu phí sẽ không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nữa. Vì vậy Bộ GTVT cho đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” để lách luật nhằm tiếp tục nắm quyền quyết định mức thu. Đây thực chất là hành động “đánh lừa”.
Hơn nữa, từ “thu giá” không có ý nghĩa trong tiếng Việt. Việc đổi tên một cách bất chấp từ “thu phí” thành “thu giá” được xem là hành vi làm lệch chuẩn ngôn ngữ, đánh tráo khái niệm, không thể chấp nhận.
Trên trang Facebook (FB) cá nhân, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận xét: “Thu giá là một sai sót nghiêm trọng của Bộ GTVT. Tôi khẳng định một điều rằng, từ này do Bộ GTVT đặt ra và được quy định thành luật tại Thông tư 35/2016 về quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ.
Để ban hành thông tư 35, Bộ GTVT căn cứ pháp lý từ Luật giao thông đường bộ và Luật giá cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, cả 2 luật này không có điều nào quy định cái gọi là “thu giá” (?!).
Và chắc chắn, ngay cả Luật phí và lệ phí, vốn quy định về phí sử dụng đường bộ, đúng bản chất của loại phí BOT đã từng thu cũng không có quy định thứ gọi là thu giá”.
Còn trên trang FB cá nhân của luật sư Võ Văn Dũng – đoàn luật sư TP.HCM cho rằng “Riêng việc Bộ giao thông chế biến từ thu phí sang thu giá đã có dấu hiệu bất thường rồi. Vai trò, chức năng của Bộ Tài chính để đâu mà lại để cho Bộ Giao thông được quyền quyết định giá vé các trạm thu phí và hô biến thành 2 từ thu giá”.
Cuối cùng, luật sư Dũng để lại một dòng trạng thái vui “Số tôi may mắn được đi đến nhiều nước trên thế giới, trạm thu phí BOT thì đã thấy nhiều, nhưng chưa bao giờ được thấy tận mắt trạm thu giá“.
Thiết nghĩ, dù có giải thích như thế nào nhưng có lẽ chỉ khi các cơ quan chức năng lắng nghe, quan tâm tới cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu thì lúc đó cái tên BOT mới có thể “giảm nhiệt” trong lòng mỗi tài xế và người dân.
Theo Trí Thức VN