Mặc dù Tập Cận Bình đã cố gắng làm giảm nhẹ tính chính trị qua việc nhấn mạnh chức năng nghỉ dưỡng tại Bắc Đới Hà nhưng tin đồn đảo chính trong cuộc họp lại trở nên mạnh mẽ nhất kể từ khi Tập lên cầm quyền.
Hội nghị Bắc Đới Hà của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xưa nay luôn đầy màu sắc thần bí, vì thế hàng năm cứ đến tháng 7 và tháng 8 lại bùng nổ những đồn đoán chính trị. Mặc dù lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình đã cố gắng để làm giảm nhẹ tính chính trị qua việc nhấn mạnh chức năng nghỉ dưỡng tại Bắc Đới Hà, nhưng cuộc họp Bắc Đới Hà năm 2018 lại là cuộc họp mà tin đồn đảo chính mạnh mẽ nhất kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Có lẽ nguyên nhân chính là vì Đại hội 19 năm 2017 ông Tập trở thành “hạt nhân” và “lưỡng hội” năm 2018 lại cho sửa đổi Hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ gây làn sóng ngầm chống đối mạnh mẽ hơn. Dưới đào bới của truyền thông, nhiều chuyện cũ liên quan đến Tập Cận Bình và Bắc Đới Hà đã được tiết lộ trong thời điểm nhạy cảm này.
Ngày 9/8, Nhật báo Apple tại Hồng Kông đã công bố hai bài viết, theo đó nhìn lại ngọn nguồn lịch sử khiến Bắc Đới Hà trở thành “thủ đô mùa hè”, trong câu chuyện này có nhiều thông tin liên quan đến ông Tập Cận Bình.
Bài viết của tác giả ký tên Lữ Nguyệt (Lu Yue) chỉ ra, ông Tập Cận Bình sinh vào năm 1953; đúng thời điểm ĐCSTQ biến “cung điện tránh nóng Đông Á” Bắc Đới Hà thành nơi nghỉ dưỡng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Nhân đại, Chính hiệp, Quân ủy Trung ương; mùa hè năm 1954, với sự tham gia của cố lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông thì Bắc Đới Hà chính thức trở thành biểu tượng của quyền lực và đẳng cấp xã hội tại Trung Quốc.
Cách mạng văn hóa Trung Quốc bắt đầu vào năm 1966, đi cùng số cán bộ cao cấp bị thanh trừng ngày càng tăng là kỳ nghỉ hè Bắc Đới Hà phải tạm ngưng. Năm đó ông Tập Cận Bình 13 tuổi, nhưng từ 9 tuổi đã bắt đầu được chứng kiến những vinh quang và tủi nhục liên quan đến “kinh đô mùa hè”, cảnh lên voi xuống chó của quyền lực.
Thời kỳ Mao Trạch Đông “luyện phép Đại nhảy vọt” và “công xã hóa nhân dân” đã gây ra đại thảm họa với hàng chục triệu người bị chết đói. Và sau đó là phát động Cách mạng Văn hóa hại chết Lưu Thiếu Kỳ; năm 1971 lại ép Lâm Bưu phải chạy trốn khỏi tòa nhà 96 tại Bắc Đới Hà, sau đó thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Öndörkhaan thuộc Mông Cổ.
Còn Đặng Tiểu Bình cũng chịu cảnh lên voi xuống chó. Vào năm 1980, Đặng Tiểu Bình quay trở lại bộ máy quyền lực và lại đến được với Bắc Đới Hà.
Năm 1984, số “gia tộc Đỏ” được minh oan ngày càng nhiều, tại Bắc Đới Hà năm đó Đặng Tiểu Bình cho phục hồi lại cơ cấu tổ chức năm cơ quan chính (Đảng ủy, Chính phủ, Nhân đại, Chính hiệp, Quân đội). Khi đó Tập Cận Bình đang làm bí thư huyện Chính Định tỉnh Hà Bắc, nhưng người cha Tập Trọng Huân đã vào Bộ Chính trị và giữ cương vị Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, là một phụ tá quan trọng của Hồ Diệu Bang, mọi đãi ngộ Bắc Đới Hà cho nhà họ Tập được khôi phục.
>>>Nguyên nhân nào khiến Đặng Tiểu Bình trục xuất Hồ Diệu Bang?
Nhưng vận may của nhà họ Tập kéo dài chưa đầy 3 năm, do Hồ Diệu Bang mất chức khiến Tập Trọng Huân bị đẩy về tuyến quyền lực thứ hai. Sau đó vì sự phản đối vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 mà bị bệnh tâm thần nặng và bị chuyển về Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông, không được phép quay trở lại Bắc Kinh. Khi đó Tập Cận Bình đang làm Bí thư Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến.
Bài viết tiết lộ, ngày 5/8/2012, khi đó Tập Cận Bình trở thành “người kế nhiệm” và đi gặp mặt chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau được mời đến nghỉ tại Bắc Đới Hà. Lần này đến Bắc Đới Hà, công việc quan trọng của Tập Cận Bình là thăm hỏi gia tộc các nguyên lão. Tại nhà của một nguyên lão, ông Tập đã nói chuyện hai tiếng đồng hồ với một người cùng vai vế, người này hy vọng ông Tập biết vì lợi ích của nhân dân để thay đổi Trung Quốc. “Trung Quốc chỉ trao cơ hội cho hai người, một là Hồ Diệu Bang, người còn lại là ông. Hồ Diệu Bang bị Đặng Tiểu Bình đánh đổ nên cơ hội đã bị mất, tôi hy vọng ông làm được”. Người ta đồn rằng trong suốt hai giờ trò chuyện này ông Tập chỉ lặng lẽ lắng nghe người kia nói.
Năm 2003, Trung Quốc bị dịch SARS, ông Hồ Cẩm Đào đã hủy văn phòng mùa hè tại Bắc Đới Hà nhưng không hủy bỏ đặc quyền của những gia đình tư bản đỏ khác. Bắc Đới Hà lại thành vùng đất hiểm của đấu tranh quyền lực với những thủ đoạn đen tối.
Giai đoạn Hồ Cẩm Đào nắm quyền lực, do bị cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân can thiệp chính sự khiến chế độ ĐCSTQ chìm vào thời kỳ mục ruỗng cùng cực.
Năm 2013 là năm đầu tiên triều đại Tập Cận Bình. Tại Bắc Đới Hà, ông Tập nói về chống tham nhũng đã cho biết trung ương đang mở một số hồ sơ án, giọng điệu ông Tập khi đó vô cùng gay gắt “Khi nào tôi còn tại nhiệm nhất định phải xử lý thực trạng nạn tham nhũng hủ bại đang bành trướng hiện nay!”
Việc Tập Cận Bình đẩy mạnh “đả hổ” chống tham nhũng cần có trợ thủ. Ngày 13/8, khi kết thúc cuộc họp Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình đã tổ chức họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh với đề tài chống tham nhũng, ông Tập nói: “Bởi vì hoàn cảnh đặc biệt, đồng chí Vương Kỳ Sơn cần được cấp ‘thượng phương bảo kiếm’, nên trao lại cho ông ấy”.
Vương Kỳ Sơn là “chí cốt” của Tập Cận Bình thời thanh niên trí thức. Quen nhau thời thanh niên trí thức ở miền bắc tỉnh Thiểm Tây. Vào giai đoạn đầu ĐCSTQ đưa thanh niên trí thức về nông thôn lao động, trong một dịp đi từ Bắc Kinh đi về Diên Xuyên, vì đường đi xa xôi nên Tập Cận Bình đã tìm đến thôn Trang Phùng để tìm nơi ở của ông Vương Kỳ Sơn xin nghỉ lại qua đêm. Người ta nói trong số các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị hai khóa thời Tập Cận Bình không ai được Tập Cận Bình quý trọng như vậy.
Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, năm 2012, Tập và Vương đã liên thủ phát động giông tố chống tham nhũng, trong đó chủ yếu thanh trừng những nhân vật phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, gây chấn động lớn. Trong số những nhân vật chức quyền ngút trời như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, phải kể thêm là hầu hết ủy viên Quân ủy Trung ương khóa 17 (trừ ông Hồ Cẩm Đào) đều “ngã ngựa”. Sau Đại hội 19, Tập Cận Bình còn xử lý thêm quan to cấp phó quốc gia là Tôn Chính Tài, đồng thời cũng sàng lọc lại toàn bộ ủy viên Quân ủy Trung ương khóa 18.
Nhưng cho dù ông Tập Cận Bình đắc tội với nhiều nhóm lợi ích thì con hổ lớn nhất là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vẫn không dám chạm vào, vì thế Giang và quân sư Tăng Khánh Hồng luôn có cơ hội âm thầm lên kế hoạch giành lại quyền lực cho phe cánh. Mấy năm đầu ông Tập mới nhậm chức đã nhiều lần bùng nổ thông tin về phe Giang Trạch Dân lên kế hoạch đảo chính hạ bệ ông Tập Cận Bình.
Dưới cản trở của các nhóm lợi ích, ông Vương Kỳ Sơn đã không thể tái đắc cử tại Đại hội 19, nhưng “lưỡng hội” vào tháng 3/2018, Vương Kỳ Sơn đã trở lại trong vai trò Phó Chủ tịch nước, còn chuyện uy quyền của Vương sau này diễn biến ra sao phải tiếp tục theo dõi.
Bài viết của Lữ Nguyệt cho biết, thời kỳ trước Đại hội 19, suốt 5 năm liền, cứ dịp đầu tháng 8 là ông Lưu Vân Sơn lại thay mặt cho ông Tập Cận Bình đi thăm các chuyên gia trong kỳ nghỉ Bắc Đới Hà. Nhưng trong hoạt động này năm nay, vốn dĩ nhân vật phụ trách chính phải là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh, nhưng Vương lại bất ngờ “mất tích”, nhiệm vụ đổi thành giao cho Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Hy và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa.
Phía sau chuyện “mất tích” của Vương Hộ Ninh là những tin đồn như bị truy cứu trách nhiệm vì cuộc chiến thương mại và Tập Cận Bình bị nguyên lão Giang Trạch Dân “ép cung”… Đây là cái gọi là “đảo chính” mới nhất từ Bắc Kinh đến Bắc Đới Hà.
Bài viết chỉ ra, nghe nói ông Vương Kỳ Sơn từng lỡ miệng hồ đồ: “Tôi chỉ nghe lệnh Tập Cận Bình”. Điều này phản ánh tại Bắc Đới Hà năm 2018, Tập Cận Bình đã gặp phải những chống đối chính trị không bình thường.
Còn ở bài viết khác trên truyền thông Hồng Kông ghi tên tác giả Lý Bình (Li Ping) có nhắc đến chuyện Tập Cận Bình được bố trí ở căn biệt thự số 0 trong hơn 700 biệt thự ở Bắc Đới Hà dành cho tư bản đỏ nghỉ dưỡng. Biệt thự số 0 là biệt thự được trang bị kính chống đạn và nhiều tầng vệ sĩ.
Tại sao biệt thự số 0 được lắp kính chống đạn? Bài viết chỉ ra, vào năm 2013, bùng nổ thông tin vào thời điểm Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2012 (trước Đại hội 18 ĐCSTQ) cựu lãnh đạo Chu Vĩnh Khang đã hai lần lên kế hoạch ám sát ông Tập Cận Bình, sau hai lần đó ông Tập đã ẩn thân 14 ngày. Dĩ nhiên, hàng năm cứ đến kỳ nghỉ Bắc Đới Hà là dường như những đồn đoán về đấu đá chính trị Trung Nam Hải lại nổi bật, nhưng rõ ràng bầu không khí căng thẳng nhất ở thời điểm trước và sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức.
Kể từ đó, năm này qua năm khác đều thường xuyên có tin đồn đảo chính, đến mức từng có dạo giới truyền thông ĐCSTQ còn tung ra bài viết “Đừng chờ đợi, sẽ không có Bắc Đới Hà”. Bài viết đề cập đến tất cả các sự kiện lớn đã được thảo luận và công bố tại hai cuộc họp Bộ Chính trị trong tháng 7.
Nhưng năm 2018 lại không thấy có thông báo chính thức nào về vấn đề có tổ chức cuộc họp Bắc Đới Hà không; có những nhận định cho rằng: thứ nhất là cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra, và thứ hai là một số nguyên lão ép phải hủy bỏ thông tin.
Bài viết trên truyền thông Hồng Kông chỉ ra, nhìn từ mức độ xảo trá và đấu đá chính trị khốc liệt luôn âm ỷ của ĐCSTQ, cho dù giới chức ĐCSTQ công khai sự thật thì cũng không mấy người tin. Bắc Đới Hà ngày càng bí ẩn hơn, dù là thông tin ám sát hoặc ép cung, hay cuộc đấu về quyết định chính trị và kinh tế, sắp xếp nhân sự, cho đến nay cũng chưa đi ra khỏi quán tính lịch sử.
>>>4 khác thường tại Hội nghị Bắc Đới Hà 2018
>>>Vương Hộ Ninh trở thành “vật hy sinh” trong chiến tranh thương mại?
Theo Trithucvn