Các nhà khoa học cho rằng hai vệ tinh từng xoay quanh trái đất, song sau một vụ va chạm chúng trở thành mặt trăng ngày nay.
Hình mô phỏng quá trình sáp nhập giữa hai vệ tinh để tạo nên một mặt trăng duy nhất. Đồ họa: BBC. |
Trên mặt trăng, phần mà con người nhìn thấy từ trái đất có địa hình phẳng. Ngược lại, phần không nhìn thấy khá gồ ghề với những dãy núi với độ cao hơn 3.000 m. Trong suốt nhiều thập kỷ qua giới khoa học đã cố gắng lý giải sự khác biệt ấy. Hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra.
Theo giả thuyết mới nhất, sự khác biệt giữa hai phần trên mặt trăng là kết quả của một vụ va chạm, BBC đưa tin.
Tiến sĩ Martin Jutzi, một nhà nghiên cứu của Đại học Bern tại Thụy Sĩ, là một trong những người đề ra giả thuyết mới nhất về sự hình thành mặt trăng. Ông cho rằng, với những giả thuyết cũ, loài người không thể giải thích tại sao trái đất chỉ có một mặt trăng. Giả thuyết mới nhất có khả năng làm sáng tỏ bí mật đó.
Những người ủng hộ giả thuyết mới cho rằng một hành tinh có kích cỡ tương đương sao Hỏa từng lao vào trái đất cách đây khoảng 4 tỷ năm. Lượng vật chất còn lại của hành tinh đó tạo nên hai vệ tinh bay quanh trái đất.
Vệ tinh nhỏ hơn bị mắc kẹt trong “cuộc chiến lực hấp dẫn” giữa địa cầu và vệ tinh lớn hơn.
Sau vài triệu năm bị kẹt giữa hai “láng giềng” lớn, vệ tinh nhỏ lao vào vệ tinh lớn với vận tốc vào khoảng 2,4 km/giây – chậm hơn cả vận tốc của âm thanh trong đá. Do quá trình sáp nhập diễn ra chậm nên nó không để lại những tác động đáng kể, như rung chấn lớn hoặc sự tan chảy của vật chất.
Jutzi nói rằng một trong những cách để chứng minh giả thuyết mới là nghiên cứu những mẫu vật chất ở phần không nhìn thấy của mặt trăng.
“Chúng tôi hy vọng trong tương lai, một mẫu vật chất từ phần khuất của mặt trăng hoặc một chuyến bay vũ trụ có người lái lên hành tinh đó sẽ giúp chúng ta khẳng định giả thuyết nào là đúng”, Jutzi phát biểu.
Minh Long