Mặt Trăng không chỉ là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, nó còn góp phần tạo nên nhiều hiện tượng trên ngôi nhà chung của chúng ta. Vậy nếu Mặt Trăng biến mất thì điều gì sẽ xảy ra?
Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên quay xung quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip với khoảng cách trung bình 384.000 km. Các nhà khoa học cho rằng, Mặt Trăng hình thành sau vụ va chạm giữa Trái Đất thuở sơ khai với một hành tinh nhỏ tên là Theia cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.
Sự thay đổi lực hấp dẫn từ Mặt Trăng (phần chủ yếu) và từ các thiên thể khác như Mặt Trời (phần nhỏ) đã tạo nên hiện tượng Tủy Triều trên Trái Đất. Vì vây, nếu Mặt Trăng biến mất, chu kỳ của thủy triều sẽ hoạt động theo Mặt Trời.
Lúc đó, thủy triều dâng lên cao nhất vào giữa trưa mỗi ngày, khi Mặt Trời ở vị trí cao nhất. Độ cao mực nước thủy triều thấp hơn so với lúc Mặt Trăng còn tồn tại.
Do độ cong phần rắn của Trái Đất chịu ảnh hưởng bởi thủy triều, nên thủy triều biến đổi sẽ kéo theo những trận động đất, núi lửa phun trào hỗn loạn.
Điều đáng lo ngại về lâu về dài chính là trục quay của Trái Đất. Hiện nay, trục quay Trái Đất rung lắc rất chậm giống như một con quay với chu kỳ 26.000 năm (hiện tượng tuế sai), khiến phía Bắc không phải luôn thẳng hướng với sao Bắc Đẩu. Nguyên nhân gây ra chủ yếu là do sự lôi kéo của lực hấp dẫn Mặt Trời, trong khi Mặt Trăng đóng vai trò kìm hãm rung lắc, làm ổn định trục quay của Trái Đất.
Do đó, khi không có Mặt Trăng, Trái Đất sẽ rung lắc khá mạnh, giống như sao Hỏa. Điều này gây ra một số biến đổi khí hậu nghiêm trọng, làm thay đổi các mùa, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trái Đất trở thành hành tinh ít ổn định và không thích hợp cho sự sống phát triển.
Đồng thời, độ nghiêng của trục Trái Đất sẽ dao động trong khoảng lớn hơn, từ 22 – 25 độ trở thành từ 0 – 85 độ. Độ nghiêng 0 độ khiến các mùa biến mất. Độ nghiêng 85 độ khiến một phần Trái Đất nghiêng hẳn về phía Mặt Trời, làm gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo tính toán của các nhà khoa học, khoảng 4 tỷ năm trước (thời điểm được cho là chưa có Mặt Trăng hoặc mới hình thành), Trái Đất quay nhanh hơn hiện nay tới 3-4 lần, nghĩa là một ngày ngắn hơn 3-4 lần. Nếu không có chiếc phanh hãm tốc độ là Mặt trăng, Trái Đất sẽ có tốc độ quay như 4 tỷ năm trước, và mỗi ngày chúng ta chỉ có từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, Mặt Trăng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và cuộc sống của rất nhiều loài động thực vật trên Trái Đất. Mất đi Mặt Trăng, hệ thống tính toán âm lịch, thời vụ, tiết khí của con người hoàn toàn mất tác dụng. Chúng ta không còn được nhìn thấy hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, hoặc quan sát chu kỳ của Mặt Trăng vào ban đêm.
Theo VNExpress