Các nhà khoa học phát hiện, Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta chứa bao nhiêu điều lạ lùng mà chúng ta chưa thể nào có thể hiểu hết được.
Kiến thức hiện tại: Đây là hành tinh duy nhất có sự sống
Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta – là hành tinh thứ ba từ Mặt trời và hiện là nơi duy nhất từng được biết đến có sự sống với bầu khí quyển chứa oxy tự do và các đại dương chứa nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
Khối cầu bị nén
Trái đất không phải là một khối cầu hoàn hảo. Khi Trái đất quay tròn, lực hấp dẫn hướng về trung tâm hành tinh của chúng ta trong khi một lực ly tâm lại đẩy ra ngoài. Sự tương tác giữa hai lực này làm Trái đất bị phình ở phần xích đạo. Nước và đất đá bị đẩy dồn vào chỗ phình, tạo thành “lốp dự phòng” quanh hành tinh chúng ta.
Eo phì nhiêu
Mẹ Trái đất có một cái eo phì nhiêu: Ở xích đạo, chu vi của khối cầu lên tới 40.075km.
Dịch chuyển không ngừng
Bạn có thể cảm thấy mình đang đứng im nhưng thực tế là bạn đang chuyển động rất nhanh. Tùy vào vị trí hiện tại của bạn trên Trái đất, bạn có thể đang quay tròn trong không gian với vận tốc hơn 1.609km/h. Những người ở xích đạo dịch chuyển nhanh nhất, trong khi những người ở cực Bắc hoặc cực Nam hoàn toàn đứng im.
Chuyển động quanh Mặt trời. Trái đất không chỉ tự quay quanh mình mà còn di chuyển quanh Mặt trời với vận tốc lên tới 107.826 km/h.
Hành tinh già nua
Các nhà nghiên cứu tính toán tuổi của Trái đất bằng cách xác định niên đại của những hòn đá cổ nhất trên hành tinh và các thiên thạch từng được phát hiện trên Trái đất (các thiên thạch và Trái đất ra đời cùng một lúc, khi hệ Mặt trời hình thành). Kết quả là, Trái đất khoảng 4,54 tỉ năm tuổi.
Đá tái chế
Mặt đất dưới chân chúng ta đã được tái chế. Chu kỳ đá của Trái đất làm biến đổi đá do lửa tạo thành thành đá trầm tích rồi đá biến chất và ngược trở lại. Chu kỳ này là vòng tròn không hoàn hảo, nhưng nó hoạt động về cơ bản như sau: macma từ sâu bên trong Trái đất nổi lên và cứng lại thành đá (đó là đá hình thành do lửa). Các quá trình kiến tạo nâng đỡ tảng đá đó lên bề mặt và tại nơi này, sự xói mòn đã bào mòn nó đi đôi chút. Những mảnh vỡ nhỏ này được tích tụ và chôn vùi, và áp lực từ phía trên nén chúng lại thành các loại đá trầm tích, ví dụ như sa thạch. Nếu đá trầm tích bị chôn vùi sâu hơn, chúng sẽ bị nhào nặn thành đá biến chất dưới rất nhiều áp lực và nhiệt. Cùng với đó, tất nhiên, đá trầm tích có thể bị tái bào mòn hoặc đá biến chất được tái nâng lên bề mặt. Tuy nhiên, nếu đá biến chất bị “mắc kẹt” vào một vùng đới hút chìm (nơi một mảng địa chất chuyển động xuống bên dưới một mảng khác), chúng có thể biến đổi trở lại thành macma.
Trọng lực kỳ dị
Vì hành tinh của chúng ta không phải một khối cầu hoàn hảo nên khối lượng của nó phân bố không đều. Và điều này đồng nghĩa với trọng lực không đồng đều đôi chút ở các điểm khác nhau.
Một nơi có trọng lực bất thường trên Trái đất là vịnh Hudson của Canada. Khu vực này có trọng lực thấp hơn các khu vực khác, và một nghiên cứu năm 2007 phát hiện “thủ phạm” chính là các sông băng hiện đang tan chảy.
Cực từ “bắc tiến”
Trái đất có từ trường do biển kim loại lỏng, nóng chảy bao phủ xung quanh lõi sắt rắn đặc của nó. Dòng chảy của chất lỏng này tạo ra dòng điện, từ đó khởi phát từ trường. Kể từ đầu thế kỷ 19, cực bắc từ trường Trái đất đang dịch chuyển dần về phía bắc hơn 1.100 km nữa, theo các nhà khoa học NASA. Tốc độ của dịch chuyển này đã tăng lên: cực bắc từ trường hiện di chuyển về phía bắc khoảng 64km/năm, trong khi tốc độ này hồi thế kỷ 20 chỉ 16 km/năm.
Trái đất từng có 2 mặt trăng?
Trái đất có thể từng có 2 mặt trăng. Mặt trăng thứ hai bé xíu với chiều rộng khoảng 1.200km có thể đã quay qanh quỹ đạo Trái đất trước khi đâm sầm vào mặt trăng kia. Bài viết đăng tải trên tạp chí Nature ngày 4/8/2011 dẫn lời các nhà khoa học nhận định, vụ va chạm khủng khiếp này có thể lý giải tại sao hai phía của mặt trăng ngày nay lại quá khác biệt đến như vậy.
Xuất hiện mặt trăng tạm thời
Một số nhà khoa học tuyên bố, Trái đất hiện cũng có 2 mặt trăng. Theo các tác giả công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học ICARUS ngày 20/11/2011, ở bất kỳ thời điểm nào cũng có một tảng đá không gian với chiều rộng ít nhất 3,3 mét quay quanh quỹ đạo Trái đất. Nhóm nghiên cứu nhận định, “mặt trăng tạm thời” này là các tảng đá không gian thay nhau trở thành vệ tinh của Trái đất, với mỗi “ca làm việc” kéo dài khoảng 9 tháng.
Động đất ngầm ở Mặt trăng
Mặt trăng cũng xảy ra động đất mặc dù những cơn địa chấn này ít khi xuất hiện hơn và mức độ cũng ít nghiêm trọng hơn so với ở trên Trái đất. Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan khảo sát địa lý Hoa Kỳ (USGS), động đất trên Mặt trăng dường như liên quan đến các áp lực thủy triều kết hợp với sự thay đổi khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Các trận động đất trên Mặt trăng cũng có xu hướng xảy ra ở rất sâu, khoảng nửa đường từ bề mặt Mặt trăng tới trung tâm của nó.
Động đất kinh hoàng nhất trên Trái đất
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất khủng khiếp nhất từng xảy ra trên hành tinh chúng ta là cơn địa chấn mạnh 9,5 độ Richter tấn công Chile ngày 22/5/1960.
Nơi đá đi bộ
Đá có thể đi bộ trên trái đất, ít nhất là ở lòng hồ cạn Racetrack Playa tại Thung lung chết (California, Mỹ). Ở đó, một cơn bão hoàn hảo có thể làm dịch chuyển những tảng đá đôi khi có trọng lượng hàng chục hoặc hàng trăm kg. Theo các nhà nghiên cứu NASA, nhiều khả năng, các tảng đá bị băng bao phủ đã bị nước tan chảy từ các ngọn đồi phía trên kéo trượt đi trên lòng hồ bằng phẳng.
Dãy núi dài nhất
Dãy núi dài nhất thế giới nằm dưới đại dương. Đó là một chuỗi núi lửa dưới nước, trải dài tới 65.000km. Khi nham thạch phun trào từ đáy biển, nó tạo thêm lớp, gai tăng dãy núi, khiến nó trải dài khắp toàn cầu.
Điểm nóng nhất
Địa điểm nóng nhất Trái đất là El Azizia ở Libya, nơi các trạm khí tượng đo được nhiệt độ kỷ lục lên tới 57,8 độ C vào ngày 13/9/1922, theo trạm quan sát Trái đất của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Nơi lạnh nhất
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi biết rằng điểm lạnh nhất trên Trái đất ở Nam cực, nơi nhiệt độ mùa động có thể xuống dưới -73 độ C. Nhiệt độ thấp nhất từng đo được trên Trái đất là -89,2 độ C ở Trạm Vostok của Nga vào ngày 21/7/1983.
Nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất
Lục địa phía nam là cái nôi của những kỷ lục, với chỏm băng Nam cực chứa tới 70% lượng nước ngọt trên Trái đất và khoảng 70% băng đá trên toàn hành tinh.
Măng đá lớn nhất
Măng đá là một dạng trầm tích hang động phát triển từ nền hang động đá vôi lên, với hình măng, nón thấp nhỏ … Nó được thành tạo do kết tủa cacbonat canxi (CaCO3) từ nước chảy qua đá vôi ở trần hang động, cao dần dần trên nền hang động. Măng đá lớn nhất thế giới tọa lạc ở hang Cuevo San Martin Infierno, Cuba với chiều cao lên tới 67,2 mét.
Dãy núi cao nhất
Danh hiệu dãy núi cao nhất thế giới có thể thuộc về đỉnh Everest hoặc Mauna Kea. Nếu xét chiều cao tính từ mực nước biển đến đỉnh thì kỷ lục thuộc về núi Everest với số đo 8.848 mét. Tuy nhiên, nếu xét chiều cao từ chân nền thực tới đỉnh thì danh hiệu số 1 phải trao cho núi Mauna Kea với số đo “khủng” lên tới 17. 170 mét, theo USGS.
Theo vietnamnet