Hành tinh xanh đang trải qua một trong những đợt biến đổi khí hậu mạnh mẽ nhất trong 65 triệu năm qua và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với mọi giai đoạn lịch sử trước đó.
Các chuyên gia khí hậu tại viện nghiên cứu Stanford Woods, Mỹ cảnh báo rằng khí hậu trái đất đang thay đổi với tốc độ nhanh nhất kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng. Nếu tình hình này tiếp diễn, nó sẽ tạo ra nguy cơ lớn đối với hệ sinh thái trên cạn khắp địa cầu, buộc các loài phải tiến hóa để phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Điều mà người ta dễ dàng nhận thấy là hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động trực tiếp tới lượng băng khổng lồ ở 2 điểm cực, đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật điển hình, bao gồm gấu Bắc Cực. Thậm chí, nếu tốc độ nóng nên vẫn được duy trì, nhiều loài sinh vật khác cũng khó lòng tồn tại bởi sự khắc nghiệt của thời tiết và biến đổi môi trường sống. Bên cạnh các hiện tượng thời tiết cực đoan, với cường độ ngày càng gia tăng, nóng lên toàn cầu bắt nguồn từ các loại khí thải nhà kính còn khiến nhiệt độ ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á tăng từ 2 – 4 độ C trong giai đoạn 2046 – 2065. Thậm chí, vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ ở Bắc bán cầu sẽ tăng thêm 5 – 6 độ C so với mức trung bình hiện nay. Tốc độ biến đổi khí hậu đang ở mức chóng mặt bởi trước đó, nhiệt độ trung bình địa cầu chỉ tăng lên 5 độ C trong suốt 20.000 năm qua (kể từ cuối kỷ băng hà cho tới hiện nay). Các loài động thực vật cũng phải di chuyển dần về các cực để trốn tránh sự biến đổi nhiệt độ môi trường, vốn quá nhanh so với khả năng thích nghi của các loài. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing