Trong tình hình kinh tế suy thoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến việc “thắt lưng buộc bụng”. Gần đây, các nhà chức trách thậm chí đã biên soạn chủ trương “Đi đầu trong việc thắt chặt chi tiêu” thành sách và liệt vào danh sách các ấn phẩm cần phải đọc dành cho Đảng viên. Tuy nhiên người dân lại cho rằng: Dân chúng mới là người phải thắt lưng buộc bụng.
Vào tháng 3/2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một báo cáo công tác của chính phủ đã chỉ ra rằng “chính quyền các cấp phải thắt chặt chi tiêu trong cuộc sống và tìm cách để gây dựng vốn đầu tư”. Cũng trong ngày hôm đó, trong một cuộc thảo luận với phái đoàn Nội Mông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng “Đảng và chính phủ đi đầu trong chính sách thắt chặt chi tiêu”.
Dưới tác động của tình hình dịch bệnh trong năm nay, ông Lý Khắc Cường trong một báo cáo công tác của chính phủ tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 5, một lần nữa đã yêu cầu chính quyền các cấp phải thực sự “thắt chặt chi tiêu”. Hôm đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn còn gọi “thắt lưng buộc bụng” là chính sách dài hạn chứ không phải là một biện pháp ứng đối ngắn hạn.
Gần đây, “Đi đầu trong việc thắt chặt chi tiêu” đã được biên soạn thành sách, là một trong các ấn phẩm mà đảng viên cần phải đọc. Tác giả của ấn phẩm này là “Nhậm Trọng Văn”, một “chữ ký tập thể” của hầu hết những tác phẩm văn chương quan trọng của tờ Nhân dân Nhật báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bìa cuốn sách trích dẫn bài phát biểu của Tập Cận Bình vào năm 2019, “Đảng và chính phủ thắt lưng buộc bụng để đổi lấy ngày tháng tốt đẹp cho nhân dân”.
Tuy nhiên, cư dân mạng Đại lục đã bày tỏ nghi ngờ về việc ĐCSTQ tuyên truyền việc “thắt chặt chi tiêu”:
Cư dân mạng “Yue Ying Shen Chuang” cho biết: “Hiện tại, đi đầu là các hiệp hội ăn uống và nhà hàng ở các nơi, còn thắt chặt chi tiêu chính là người dân”.
Có cư dân mạng cho rằng: “Thực tế thì khá mâu thuẫn – vừa đề xuất việc sống thanh đạm, tiết kiệm lương thực, thắt lưng buộc bụng, nhưng cũng lại khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu trong nước. Vừa muốn bên trong lưu thông, vừa muốn bên ngoài lưu thông. Vừa muốn tăng tốc kinh tế, lại phải kiềm chế lạm phát. Điều này đúng là quá khó!”.
ĐCSTQ kêu gọi “thắt chặt chi tiêu” đã trở thành trò hề trớ trêu khi đã từng công bố rằng phải “thành công viên mãn” trong việc xây dựng một đời sống khá giả toàn diện trong nhân dân. Có cư dân mạng mỉa mai: “Đừng nói gì cả, với ước mơ về một cuộc sống sung túc, hãy bắt đầu với việc ‘thắt chặt chi tiêu’ đi”.
Cư dân mạng Quý Châu có nickname “Siêu cấp…” đã đặt ra nghi vấn về các biện pháp mà chính quyền địa phương thực hiện để “thắt chặt chi tiêu”: “Cái gọi là ‘sống những ngày eo hẹp’ hay ‘thắt lưng buộc bụng’ ở tỉnh Quý Châu đều là lấy việc siết chặt các khoản chi tiêu xã hội được sử dụng cho sinh kế của người dân, cắt giảm chi phí cho giáo viên, và các ngành nghề phổ thông.
Còn đối với các quan chức địa phương thì tiền lương cũng không được trả ít đi một đồng, ngược lại phí duy duy trì sự ổn định lại tăng lên. Đây là đi đầu trong thắt chặt chi tiêu ư? Trong tương lai, mô hình ‘thắt chặt chi tiêu’ này của Quý Châu có thể được mở rộng ra toàn quốc!”.
Từ các tài liệu nội bộ của chính quyền địa phương thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc mà tờ Epoch Times có được trước đó cho thấy, mặc dù việc “thắt chặt chi tiêu” đã trở thành câu đầu lưỡi của giới quan trường, tuy nhiên hệ thống cảnh sát của ĐCSTQ thì không cần phải “thắt chặt chi tiêu”, hơn nữa lại đang không ngừng cải tiến trang thiết bị và đãi ngộ. Chính quyền địa phương có nhiều ngành còn cung cấp cả “kinh phí bảo đảm” cho cảnh sát.
Nhà bình luận chính trị Lý Tâm Nhất nói rằng việc ĐCSTQ tăng cường quyền lực cho cảnh sát đi ngược lại với chính sách “thắt chặt chi tiêu” của nó. Do đó, việc chính phủ “thắt chặt chi tiêu” đối với các dịch vụ công cộng và sinh kế của người dân không phải để đổi lấy cuộc sống tốt đẹp cho dân chúng, mà là cho công an duy trì ổn định.
Gia Hưng (Theo NTDTV)