Chính quyền Trung Quốc cưỡng chế lấy các mẫu máu từ người dân nhưng không thông báo lý do, và đây không phải là lần đầu tiên họ có động thái như vậy. Bắc Kinh cũng vinh danh 100 năm ngày sinh của một vị tướng quá cố, từng ra lệnh xả súng vào những người biểu tình tay không tấc sắt trong vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Chính quyền Trung Quốc thu thập mẫu máu của người dân
Người dân tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc cho biết cảnh sát đã thu thập mẫu máu của họ. Những cảnh sát này được cho là đang hành động theo chỉ thị của chính quyền Trung Quốc. Cho đến nay, các sĩ quan cũng không đưa ra lời giải thích nào. Người dân địa phương cho biết cảnh sát chủ yếu lấy mẫu máu từ những người đàn ông trưởng thành.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên chính quyền Trung Quốc cưỡng chế lấy mẫu máu hàng loạt từ người dân. Nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, cũng như những người theo đạo Thiên chúa và các học viên Pháp Luân Công cũng từng là đối tượng bị chính quyền cưỡng chế lấy máu.
Ngoài ra, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến, những người bị coi là kẻ thù của chính quyền đều bị cuỗng chế lấy máu.
Đầu những năm 2000, Bộ Công an Trung Quốc bắt đầu thiết lập cơ sở dữ liệu DNA quốc gia.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các hoạt động thu thập DNA của TQ có thể không liên quan gì đến các cuộc điều tra tội phạm. Các nhân viên công an thu thập lượng lớn dữ liệu sinh học từ dân thường là vì việc thu thập “thông tin cơ bản” được coi là một trong những mục tiêu của chính quyền.
ĐCSTQ vinh danh người ra lệnh xả súng vào người biểu tình Thiên An Môn
Đầu tháng này, ĐCSTQ đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Dương Bạch Băng – một vị tướng quân đội nổi tiếng, đã ra lệnh bắn hạ những người biểu tình không vũ trang trong cuộc Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Vào ngày 4/6/1989, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào sinh viên và người dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Người dân và các sinh viên tụ tập ở đó để phản đối tham nhũng của chính quyền cộng sản, đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận. Ước tính 10.000 người đã thiệt mạng.
Ông Dương mất vào năm 2013. Một số buổi lễ được tổ chức vào ngày 9/9 để đánh dấu 100 năm ngày sinh của ông. Một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ – ủy ban xây dựng pháp luật, quyền lực nhất của chính quyền – đã tham dự.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, sự kiện này được tổ chức để tưởng niệm những điều mà họ gọi là “cuộc đời vinh quang và những đóng góp xuất sắc của ông Dương dành cho đảng.”