Phía Trung Quốc sẽ tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc với tổng mức đầu tư tạm tính 100.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng sau 2025 (nếu được thông qua).
Liên danh tư vấn gồm Công ty CP Tư vấn ĐT&XD GTVT (TRICC) và Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt (Trung Quốc) vừa gửi Bộ GTVT về báo cáo quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc.
Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng 100.000 tỷ đồng
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được nghiên cứu xây dựng trên hành lang Đông – Tây với tổng chiều dài toàn tuyến là 392km, đi qua 8 tỉnh, TP là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng (kết thúc tại cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải).
Từ Lào Cai kết nối với đường sắt Hà Khẩu của Trung Quốc, từ đó đi Trung Á, châu Âu. Đoạn này dài 5,6km. Hiện tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tuyến đường sắt khổ 1.000mm.
Quy hoạch diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha. Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Hiện nay, tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc trung bình là 50 km/h, vận tốc tối đa là 80 km/h. Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án là cải tạo đường hiện có thành khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) và giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ, xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, tư vấn kiến nghị xây dựng tuyến mới với quy mô tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn tốc độ chạy tàu thiết kế 160 km/h, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.
Trung Quốc sẽ hỗ trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch
Theo ước tính của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) của tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là khoảng 100.000 tỷ đồng. Điều đặc biệt là kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt này sẽ do phía Trung Quốc tài trợ.
Hiện tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới dừng ở bước nghiên cứu quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt. Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt trên sẽ do Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Nếu được thông qua, tuyến đường sắt này sẽ được chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2020 – 2025 và bắt đầu xây dựng sau 2025.
Được biết, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 mới đây, Bộ GTVT đã có buổi làm việc bước đầu với một số địa phương nằm trong quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng tiêu biểu như UBND tỉnh Yên Bái, Hưng Yên, Hải Dương,…
Hiện Bộ GTVT đã có đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 1.570km với tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng, tương đương 58,7 tỷ USD.
Đầu tư xây dựng thêm tuyến đường sắt phía Bắc là ‘lãng phí và vô lý’
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc xây thêm tuyến đường sắt mới với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, trong khi đã có đường cao tốc là lãng phí và vô lý. “Nếu nối đường sắt từ đó về thì sẽ tạo nhiều cơ hội cho chủ yếu hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, giao thương với Trung Quốc cần có chấn chỉnh lại để làm sao cho đỡ thua thiệt với Việt Nam, làm sao cho hàng Trung Quốc nhập khẩu không chèn ép các mặt hàng nội địa. Do đó, cần tính toán lại về dự án này”, bà Lan nói.
Ngoài ra, tiến sĩ Lan cũng nhấn mạnh rằng, ở thời điểm này, việc xây dựng tuyến đường sắt phía Bắc là chưa cần thiết nhưng ngành giao thông Việt Nam lại đang quá quan tâm và đổ quá nhiều tiền cho các dự án đầu tư nối đường sắt lên các tỉnh phía Bắc.
Trong khi đó, cả vùng Đồng bằng Cửu Long rộng lớn, cả một vùng miền Nam đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, quan trọng hàng đầu thì lại đầu tư rất ít, rất chậm. “Có những dự án cam kết bao nhiêu lâu nay vẫn không có tiền hoặc tiền về rất chậm. Điều này rất vô lý’, chuyên gia kinh tế nhận định.
Đồng quan điểm với bà Lan, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng việc bỏ kinh phí 100.000 tỷ đồng để đầu tư một dự án đường sắt trong bối cảnh ngành đường sắt đang thiếu vốn nghiêm trọng là thiếu hợp lý.
Bởi với mức kinh phí lớn như vậy sẽ không một doanh nghiệp nào dám bỏ tiền ra để làm dự án. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ hơn 10 năm và vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành là một bài học ‘đắt giá’ trong việc quy hoạch bất kỳ một dự án đường sắt nào tiếp theo.
Vũ Tuấn (t/h)