TQ lên kế hoạch xây siêu đập ở Tây Tạng, vượt Tam Hiệp trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới
Trung Quốc đang có kế hoạch xây siêu đập thủy điện ở khu tự trị Tây Tạng với khả năng tạo ra lượng điện lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp. Điều này khiến các nhà bảo vệ môi trường và Ấn Độ hết sức quan ngại.
Theo AFP, tại kỳ họp quốc hội thường niên tổ chức vào tháng 3/2021, trong bản kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021 – 2025), Trung Quốc đã đề cập về dự án xây dựng đập thủy điện ở khu tự trị Tây Tạng. Dự kiến công trình này sẽ được xây trên dòng Yarlung Zangbo, bắc qua sông Brahmaputra và chảy vào Ấn Độ.
Chi tiết về đập mới này cũng như thời gian triển khai hay ngân sách cho dự án hiện vẫn chưa được chính quyền Bắc Kinh công bố.
Giới chuyên gia và báo chí Trung Quốc dự đoán khi hoàn thiện, con đập này sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất trên thế giới với công suất lên tới 60 gigawatt, có thể sản xuất 300 tỷ kilowatt điện mỗi năm, tức gấp 3 lần đập Tam Hiệp (đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay).
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc Yan Zhiyong cho biết, siêu đập trên chủ yếu được xây dựng để cung cấp năng lượng cho “tương lai xanh” của Trung Quốc bởi hiện nay Trung Quốc đã thừa điện.
Các nhà chức trách Bắc Kinh cho rằng dự án xây siêu đập ở Tây Tạng có tính thân thiện với môi trường, thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo con đập phá kỷ lục này có thể sẽ gây ra những hậu quả về chính trị và phá hoại môi trường nghiêm trọng còn hơn cả đập Tam Hiệp.
Giám đốc chương trình bền vững, nước và năng lượng tại Trung tâm Stimson, Mỹ, ông Brian Eyler nhận định: “Xây một con đập có kích cỡ siêu lớn có thể là ý tưởng tồi vì nhiều lý do”.
Trước đó, 1,4 triệu cư dân ở thượng nguồn đã phải sơ tán để phục vụ việc xây dựng đập Tam Hiệp (1994 – 2022). Hiện đập thủy điện mới trên sông Yarlung Tsangpo có khả năng sẽ được xây dựng ở huyện Medog. và nếu con đập mới này thực sự được xây dựng thì 14.000 con người đang sinh sống tại đây có thể sẽ phải di dời, đi tìm chỗ ở mới.
Không những vậy, theo ông Brian, con đập lớn này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, làm mất đi sự đa dạng sinh học, cản trở sự di cư của các loài cá cũng như dòng chảy phù sa trong mùa lũ ở hạ nguồn.
Được biết, sông Yarlung Tsangpo, sau khi chảy qua Trung Quốc còn chảy vào Bangladesh và bang Arunachal Pradesh, Assam thuộc Ấn Độ.
Theo đó, Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về dự án này, khi các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát phần lớn nguồn cung cấp nước ở Nam Á.
Yên Yên (t/h)