Trong khi dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn còn đang tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc thì Nội Mông Cổ lại lan truyền thông tin có người chăn gia súc bị nhiễm bệnh dịch hạch.
Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe của Thành phố Bayannur, Nội Mông, vào ngày 5/7/2020, các bác sĩ thuộc tổ chuyên gia bệnh viện Urad Middle Banner đã phát hiện một trường hợp mắc bệnh dịch hạch khi bệnh nhân này đến khám bệnh.
Bệnh nhân là người thuộc thị trấn Ôn Canh, Urad Middle Banner, thành phố Bayannur, và làm nghề chăn gia súc. Hiện tại, bệnh nhân đã được cách ly và điều trị tại bệnh viện địa phương.
Tin tức từ phía chính quyền cho biết, chính quyền địa phương “hết sức chú trọng việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh; các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đều đã được tiến hành ổn thỏa”. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2018-2019, trong các báo cáo của Bộ nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc cũng đều tuyên bố “dịch bệnh đã được xử lý hiệu quả”. Tuy nhiên, thực tế là dịch tả lợn châu Phi cuối cùng đã lan ra 31 tỉnh và khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra nó còn lan sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, và nhiều nơi khác ở khu vực Đông Nam Á.
Bệnh dịch hạch tại Trung Quốc năm 2019
Vào tháng 9/2019, thành phố Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc có ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh dịch hạch. Ngày 12/11, vợ chồng ông Vương Tư, làm nghề chăn gia súc ở Sonid Left Banner, Xilingol, Nội Mông Cổ đã được chẩn đoán mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại bệnh viện Bắc Kinh. Ngày 16/11, lại thêm một người đàn ông ở Xilingol mắc bệnh. Ngày 27/11, một bệnh nhân nữa ở Ulanqab, Nội Mông Cổ lại được chẩn đoán là nhiễm bệnh dịch hạch.
Theo nhiều bài chia sẻ trên Twitter ở thời điểm đó, hơn 300 ngôi làng ở các tỉnh phía Bắc như Nội Mông, Cam Túc, Ninh Hạ, Tân Cương, Liêu Ninh và Cát Lâm đã bị phong tỏa. người dân trong thôn không được ra vào để ngừa dịch bệnh khuếch tán, thông tin trong thôn cũng bị chặn đứng và có cả cảnh sát vũ trang canh giữ.
Có hai loại bệnh dịch hạch chủ yếu là: dịch hạch tuyến dịch lim-pha và dịch hạch thể phổi. Dịch hạch tuyến dịch lim-pha lây sang người thông qua các vết cắn của bọ chét sống trên thân các loài gặm nhấm như chuột. Nếu không được điều trị, nguy cơ tử vong có có thể lên tới 2/3.
Khoảng 1/10 bệnh dịch hạch tuyến dịch lim-pha sẽ phát triển thành bệnh dịch hạch thể phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Bệnh dịch hạch thể phổi có thể lây lan qua nước bọt nên nguy cơ lây lan từ người sang người là rất cao.
Các chuyên gia Trung Quốc nhắc nhở người dân phải nghiêm túc làm theo yêu cầu “ba không, ba khai báo” để phòng ngừa, kiểm soát bệnh dịch hạch cũng như thực hiện tốt công tác phòng hộ bản thân. Cụ thể như sau:
1. “Ba không”: Không tự mình đi săn bắn, ăn hoặc tự ý mang những động vật mà là nguồn gốc của dịch bệnh ra khỏi vùng dịch.
2. “Ba khai báo”: Phải báo cáo khi phát hiện những con rái cá cạn (Marmot) và những con động vật khác bị bệnh (chết); khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh dịch hạch; phát hiện bệnh nhân có biểu hiệu sốt cao bất thường, đột tử không rõ nguyên nhân.
3. Duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, cố gắng tránh đến những nơi đông người, khi đi đến cơ sở y tế để điều trị hoặc khi bản thân bị sốt, ho và có các triệu chứng liên quan khác phải đeo khẩu trang kịp thời.
4. Nếu nghi ngờ đã từng tiếp xúc với người bệnh thì phải chủ động khai báo với bộ phận kiểm soát bệnh dịch tại địa phương; Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau hạch bạch huyết, ho ra máu hoặc chảy máu, v.v. thì phải kịp thời điều trị.
Minh Huy (Theo NTDTV)