Hàng loạt cây cầu tại TP HCM có nguy cơ sập, chỉ tính các trục đường chính đã có 30 cây cầu yếu, không đồng bộ với giao thông.
Hàng chục công nhân, kỹ sư, chiều 29/1 vẫn hối hả thi công khắc phục cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) bị sập 10 ngày trước. Nhịp cầu bị gãy được thay, đồng thời gia cố lại các trụ mống để đảm bảo sử dụng lâu dài.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết các đơn vị đang khẩn trương khắc phục sự cố. Chắc chắn cầu Long Kiểng sẽ thông xe ngày 31/1, phục vụ người dân đi lại, như cam kết của Sở với lãnh đạo thành phố.
Huyện Nhà Bè cũng được UBND thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Sở Giao thông vận tải khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng mới – dự kiến thi công trong tháng 6 với số vốn hơn 550 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2019.
Cầu Long Kiểng là lộ trình lựa chọn của người dân từ huyện Nhà Bè, Long An vào trung tâm thành phố hoặc từ trung tâm thành phố trở về nhà. Nhiều ngày qua, người dân phải thay đổi lộ trình, đi đường vòng xa hơn cả chục km.
TP HCM còn hàng loạt cầu yếu có nguy cơ sập
Sự cố sập cầu Long Kiểng đêm 19/1 một lần nữa báo động tình trạng những cây cầu yếu, không đồng bộ tải trọng với đường trên địa bàn TP HCM.
Theo ghi nhận, trên đường Lê Văn Lương thuộc xã Nhơn Đức đi Cần Giuộc (Long An), ngoài cầu Long Kiểng mới bị sập còn nhiều cầu sắt cũ khác như cầu Rạch Đĩa 1, Rạch Tôm, Rạch Dơi cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Các cầu này đều có kết cấu dạng Bailey, Eiffel, khổ cầu rộng khoảng 3m, lưu thông hai chiều và không có lề bộ hành, tải trọng khai thác 1-3,5 tấn và đều được xây dựng từ trước năm 1975. Chỉ cần một xe máy chạy qua, cầu đã rung bần bật. Trong khi đó, độ tĩnh không của cầu cũng không bảo đảm nên luôn đối mặt nguy cơ bị tàu thuyền, sà lan tông.
Theo ông Bùi Xuân Cường, trên đường Lê Văn Lương hiện chỉ có cầu Ông Bốn đã xây dựng bêtông đồng bộ với giao thông trên tuyến. Còn 4 cây cầu sắt: Long Kiểng, Rạch Đĩa 1, Rạch Tôm, Rạch Dơi dù đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2001 nhưng chỉ có cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa 1 được duyệt.
Tuy nhiên, từ khi duyệt dự án đến lúc triển khai chính sách đã thay đổi. Hiện, Bộ Giao thông – Vận tải quy định tiêu chuẩn về xây dựng cầu đòi hỏi phải có đường dân sinh hai bên, xây dựng đường gom hai đầu cầu và đường chui dưới dạ cầu nên dự án phải thay đổi thiết kế, dẫn đến thời gian thực hiện dự án chậm.
Tại cầu Rạch Dơi, nhiều chân cầu bằng trụ sắt đã gỉ sét, một số nơi thủng lỗ chỗ. Dù cầu đã xuống cấp nhưng xe tải liên tục lưu thông trên cầu này; phía dưới là ghe tàu, sà lan chất đầy cát không ngớt qua lại.
Còn cầu Rạch Tôm mỗi lần có xe tải chở hàng chạy qua lại rung lắc mạnh, phát ra những tiếng kêu lớn. “Ngày nào cũng chạy qua mấy cây cầu sắt này đúng là rất sợ. Bề mặt trơn, cầu rung ầm ầm, tôi phải chờ cho mấy xe tải chạy qua trước rồi mới dám đi”, chị Hạnh ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè nói.
Cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi thành phố đã có chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, phương án hoàn vốn theo hình thức này chưa khả thi nên được đưa vào danh mục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong năm 2019.
Tương tự là cầu Phước Lộc 1 nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiểng. Bề ngang cầu chỉ khoảng 2m, vừa đủ hai xe máy đi ngược nhau. Cây cầu này khá yếu, ở hai đầu có gắn biển báo cấm ôtô lưu thông, cơ quan chức năng dùng hai nửa thùng phuy đổ bêtông gắn cố định đầu cầu để không cho các xe lớn chạy qua.
Không chỉ trên địa bàn huyện Nhà Bè mà ở nhiều nơi khác cũng còn hàng loạt cây cầu yếu, nguy cơ sập bất cứ lúc nào như: Bà Hom (Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân), Xáng Dọc (đường Vườn Thơm), Thanh Niên (bắc qua Kênh Xáng Ngang, huyện Bình Chánh ), Thi Đua (Tỉnh lộ 9, huyện Củ Chi), Rạch Đỉa…
.
“Trước mắt vẫn khai thác hiệu quả hạ tầng hiện hữu nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Cường nói và cho biết sẽ tăng cường thanh tra, đề nghị UBND huyện Nhà Bè giao cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt xe quá tải ở khu vưc cầu yếu.
Cũng theo ông Cường, hiện các trục đường chính trên địa bàn TP HCM có 30 cầu yếu, không đồng bộ với giao thông trên tuyến do sở GTVT quản lý đã được đưa vào danh mục ưu tiên, nhằm thực hiện đồng bộ đến 2020. Còn nếu tính cả trong các khu dân cư thì hiện có khoảng 200 cầu yếu và 55 cầu không đồng bộ tải trọng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để có thể cải tạo hoặc xây mới.
Theo VNE