Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, TP.HCM đang sở hữu cơ hội “có một không hai” thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Thậm chí, trong 15-20 năm tới, kinh tế TP.HCM có thể vượt qua Đài Bắc.
Sáng 18/10, lần thứ 2 trong vòng 3 tháng diễn đàn Kinh tế TP.HCM đã được tổ chức với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phân tích về khả năng TP.HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính.
‘Kinh tế TP.HCM có thể vượt Đài Bắc trong 15-20 năm tới’
Theo ông Dũng, diễn biến bất lợi về chính trị đang làm lung lay vị trí của những trung tâm tài chính lớn của thế giới như Hong Kong, London. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế là tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm tài chính mới để hưởng nhiều ưu đãi.
“Tôi lấy ví dụ như nguồn vốn, nhân sự chất lượng cao đang dịch chuyển từ London sang Frankfurt sau kế hoạch Brexit của Anh. Điều này khiến giá trị thị trường chứng khoán, bất động sản ở đây tăng vọt. TP.HCM cần tận dụng cơ hội tương tự bởi nếu bỏ lỡ một chút sẽ mất ngay”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phân tích nhiều lợi thế khác của TP. HCM như vị trí chiến lược khi nằm giữa hai khu vực kinh tế sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á, múi giờ không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, sân bay Long Thành dự kiến sắp triển khai và Tân Sơn Nhất được mở rộng, thị trường chứng khoán sôi động với nhiều sản phẩm mới….
Đồng tình với ý phát biểu trên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng cho rằng TP.HCM hội tụ nhiều điều kiện để có một không gian đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn vượt ra bên ngoài biên giới quốc gia, tuân theo chuẩn mực quốc tế.
TS Tự Anh phân tích, yếu tố đầu tiên là TP.HCM có vị thế kinh tế nổi trội so với cả nước; thứ 2 là TP nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Và riêng về vị trí địa lý thì TP.HCM là một địa điểm thuận lợi để kết nối với các đô thị lớn trong khu vực. Nếu lấy TP.HCM làm tâm, trong bán kính 3 giờ bay có thể tiếp cận được tất cả thủ đô của các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cuộc đua trở thành trung tâm tài chính quốc tế là một cuộc đua đường trường chứ không phải nước rút.
“Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại, kinh tế TP.HCM có thể vượt Đài Bắc trong 15-20 năm tới. Vấn đề then chốt là TP.HCM phải giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài”, ông nói.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định rằng, “đến năm 2045, Việt Nam có thể vào nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” nếu làm tốt mọi việc như hiện tại bởi hiện nay Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì nằm trong số ít quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn hơn 6% trong 30 năm qua.
TP.HCM cần ‘quá độ’ để trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu Trưởng trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM cho biết, TP.HCM được coi là đầu tàu kinh tế quốc gia, là trung tâm tài chính quốc gia. Nhưng để tiến tới trung tâm tài chính quốc tế thì cần có bước ‘quá độ’.
Trước hết có thể khẳng định kinh tế TP.HCM hiện trạng là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển và chưa vượt qua ‘bẫy’ thu nhập trung bình. Tuy nhiên, kinh tế TP.HCM có những ưu thế và vượt trội so với các địa phương khác như tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong những năm gần đây luôn đạt hai con số (10-12%) gấp đôi so với mức trung bình của cả nước, GDP của TP.HCM đạt gần 23% GDP quốc gia…
Như vậy, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần phải có thêm nguồn thu vào ngân sách TP bằng cách kiến nghị Chính phủ cho TP.HCM tăng nguồn thu của ngân sách nhà nước từ 18% lên 22%…
Ngoài ra, cần hình thành các công ty môi giới tài chính quốc tế, công ty kiểm toán quốc tế, trọng tài quốc tế, công ty quản lý tài sản quốc tế… phục vụ cho vận hành của trung tâm tài chính quốc tế…
Vũ Tuấn (t/h)