“Nam Mô A Di Đà Phật! Đất nhà chùa thì sao có chuyện mua bán được!”, Phó trụ trì Chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, TP.HCM) tâm sự sau khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi hỏi mua một phần đất cổ tự với giá 60 tỷ đồng.
Những ngày cuối tháng 12, Thượng toạ Thích Từ Trí – Phó trụ trì Chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, TP.HCM) liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi hỏi mua một phần đất cổ tự.
Một phần đất chùa Giác Lâm bị rao bán với giá 60 tỷ đồng
Vừa qua có người đến chùa trưng ra giấy chứng nhận đã đặt cọc 10 tỷ đồng với một người xưng là người của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam để mua một phần đất khoảng 2.000m2 của chùa với giá 60 tỷ đồng.
Người đó “nhờ chùa xác nhận đất không có tranh chấp để đi làm thủ tục giấy tờ…nếu chùa xác nhận đất không có tranh chấp sẽ xin cung tiến 10 tỷ đồng“, Thượng tọa Thích Từ Trí cho hay.
Ngoài người này, còn có nhiều người khác đến chùa trưng ra các giấy đặt cọc với số tiền khác nhau để mua phần đất trên và hỏi thăm pháp lý phần đất.
Được biết, trong chục năm qua, không biết có bao nhiêu người đã nhận cọc mua bán đất chùa Giác Lâm và tìm tới đây.
Sẵn sàng bỏ thêm 50 tỷ đồng để được làm sổ đỏ chủ quyền
Vừa mới đây thôi, có một cò đất quận 2 gặp thầy, nói rằng một chủ đất ở quận 8 thỏa thuận với người rao bán để mua toàn bộ mẫu đất này, bao gồm cả tòa bảo tháp, với giá 60 tỷ đồng và sẵn sàng bỏ thêm 50 tỷ đồng để làm sổ đỏ chủ quyền, vậy nhà chùa tính sao!
Thượng tọa Thích Từ Trí trả lời họ rằng nhà chùa có các văn bản pháp luật khẳng định đất đai và bảo tháp là của chùa Giác Lâm nói riêng và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, không ai có thể buôn bán đất chùa Giác Lâm.
Theo Phó trụ trì Chùa Giác Lâm, chuyện cò mồi, mua bán đất chùa Giác Lâm có thể là do nhà chùa đã nộp hồ sơ giấy tờ xin được cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất đai, trong đó có cả phần đất xây dựng bảo tháp, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp…
Trao đổi với phóng viên về đất đai tại tổ đình Giác Lâm, Thượng tọa Thích Từ Tánh, Ủy viên Ban trị sự, Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Phật giáo quận Tân Bình (Trụ trì chùa Giác Lâm) khẳng định: “Chùa Giác Lâm là di tích lịch sử cấp quốc gia nên không ai có quyền chiếm dụng hay chuyển nhượng, mua bán đất trái phép trên diện tích đất đai thuộc tổ đình”.
Trước đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM cũng xác định, tài sản chùa Giác Lâm là tài sản chung do Giáo hội Phật giáo quản lý; đề nghị nhà nước ngăn chặn tổ chức cá nhân mua bán, chuyển nhượng tài sản của chùa Giác Lâm.
Chùa cổ Giác Lâm gần 300 tuổi, di tích lịch sử cấp quốc gia
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại TP.HCM. Tọa lạc tại số 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, chùa thuộc phái Thiền lâm tế tông ở miền Nam Việt Nam.
Được xây dựng vào năm Giáp Tý (1744), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đến nay chùa đã trải qua gần 300 năm lịch sử. Chùa là nơi đào tạo về kinh pháp và giới luật đầu tiên cho chư tăng Gia Định và cả Nam bộ, nơi in ấn các sách kinh phát hành cho vùng Nam Bộ.
Kể từ lúc thành lập đến nay, chùa đã trải qua 3 lần trùng tu vào các năm: 1798–1804, 1906–1909 và 1999.
Phía ngoài chính điện, bên lối vào chùa có bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng tháp hình lục giác thờ Xá Lợi Phật, được khởi công xây dựng từ năm 1970 theo bản vẽ của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, từng phải tạm ngưng vào năm 1975, phải đến 1933 mới tiếp tục được hoàn thiện.
Vào các dịp lễ lớn hàng năm, chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và khách quốc tế đến tham quan, thắp hương và cầu bình an.
Chùa đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1989…
Vũ Tuấn (t/h)