Tinh Hoa

TP.HCM: 1 người tử vong, 5 người nguy kịch nghi do ngộ độc pate chay

Liên quan đến trùm ca nghi ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay có pate ở Bình Dương, đêm 25/3 bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân nữ nghi ngộ độc, nâng tổng số người nghi ngộ độc pate chay lên 6 người, theo VnExpress.

Bệnh nhân 16 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 26/3. (Ảnh: Thúy Nguyễn / VnExpress)

Theo đó, ngày 26/3, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, thông báo tình trạng của cả ba bệnh nhân mới nhập viện vẫn còn nặng. Trong đó, người phụ nữ 42 tuổi tiếp xúc yếu, sức cơ tứ chi yếu, còn sụp mi, gọi hé mắt.

Nữ bệnh nhân 43 tuổi, tiếp xúc được, gọi hé mắt, sức cơ tứ chi 3/5. Cháu của người này là nữ bệnh nhân 22 tuổi hiện gọi mở mắt chậm, sức cơ tứ chi yếu, sụp mi.

Trước đó, ngày 21/3, bệnh nhân Cao Ngọc Hà, 53 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê sau ngưng tuần hoàn hô hấp (ngừng tim ngừng thở), sụp mi, nhược cơ…. em gái bệnh nhân là bà Cao Ngọc Mỹ (42 tuổi, thường trú tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân 16 tuổi là con của bà Mỹ, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Theo người nhà của bệnh nhân, trước đó bà Mỹ và bà Hà đi chợ mua nguyên liệu (trong đó có chả chay và 1 hộp pate chay bị phồng nắp) để nấu bún riêu chay cho khoảng 25 đến 30 phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu, TP. Thủ Dầu Một ăn trưa. 

Sau bữa ăn, bà Mỹ bắt đầu có các biểu hiện cứng lưỡi, khó nuốt và nhanh chóng được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không thể qua khỏi. Tiếp đó, một số người khác trong số những người đã ăn bún riêu chay cũng có biểu hiện tương tự và cũng được chuyển đi bệnh viện Nhân dân 115.

Tại đây, các bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Tích cực Chống độc.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hôm nay bệnh nhân 16 tuổi đang suy hô hấp, thở máy, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ yếu, chỉ cử động được nhẹ đầu ngón tay. “Các bác sĩ đang nỗ lực hết sức để cứu chữa”, bác sĩ Việt nói.

Tối ngày 25/3, bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã mang theo hai lọ thuốc giải độc botulinum vào TP.HCM, truyền cho 2 bệnh nhân là bệnh nhi ở Nhi đồng 2 và bà Hà. Sau khi truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), sức khỏe của cả 2 đã cải thiện rõ rệt.

Đây chính là bằng chứng cho thấy những trường hợp trên đã ngộ độc thức ăn pate có độc tố botulinum.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng tất cả sản phẩm liên quan đến pate chay trong thời gian chờ thông tin xác định chính xác về bữa ăn và thực phẩm nói trên. Những ai đã cùng ăn pate chay trong bữa ăn với các bệnh nhân trên, cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Yên Yên (t/h)