Từ thời điểm Toshiba thông báo Chủ tịch Shigenori Shiga sẽ từ chức, nhà đầu tư đã liên tục lo ngại về tình trạng của Toshiba. Giá cổ phiếu của họ chỉ còn 183,7 yen ngày 21/2, giảm 26% so với ngày 13/2. Giá trái phiếu của hãng cũng lao dốc…
Yasuo Naruke – Phó giám đốc cấp cao phụ trách mảng chip nhớ của Toshiba từng chứng kiến những ngày huy hoàng trong lĩnh vực này cũng như của cả tập đoàn. Nhưng tại cuộc họp hôm 14/2, chính Naruke phải đứng trước cổ đông để thuyết phục họ cùng công ty lách qua khe cửa hẹp: “Chúng ta phải sẵn sàng bán 100% mảng chip nhớ. Nếu không làm thế, chúng ta không tồn tại được đâu”, ông nói và cho biết đã sẵn sàng chia tay với mảng kinh doanh mình gắn bó nhất.
Không thể công bố báo cáo đúng hạn
CEO Satoshi Tsunakawa trước đó đã rất vất vả để đưa tất cả mọi người đi đến quyết định chung. “Tôi sẽ nói trong buổi họp báo rằng chúng ta sẽ đưa hạ tầng xã hội lên làm mảng kinh doanh cốt lõi”, ông cho biết và chấm dứt cuộc họp. Ông Tsunakawa sau đó phải tổ chức buổi thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng cho tài khóa 2016 của Toshiba.
Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra. 6h30 tối – chậm 2 tiếng rưỡi so với hạn công bố, ông xuất hiện trước giới truyền thông và các nhà đầu tư tổ chức, rồi cúi đầu xin lỗi. Cổ phiếu Toshiba đã giảm 8% sau đó.
Ông Tsunakawa cho biết công ty buộc phải hoãn công bố báo cáo tài chính. Họ cũng đưa ra báo cáo “dự kiến” với lưu ý: “Những thông tin được công bố sau đây là dự báo của Tập đoàn Toshiba”.
Họ cảnh báo những số liệu này chưa được kiểm toán và “đang được xem xét lại bởi kiểm toán độc lập, có khả năng chỉnh sửa”. Các lãnh đạo Toshiba giải thích họ đã phát hiện “sức ép không phù hợp” từ nội bộ công ty, khiến họ không thể công bố báo cáo kiểm toán đúng hạn. Vì thế, hạn chót mới sẽ là 14/3.
Theo báo cáo “dự kiến”, định giá mảng điện hạt nhân được giảm 712,5 tỷ yen (6,3 tỷ USD) trong tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017). Còn Toshiba có thể lỗ ròng 390 tỷ yen. Những khoản thiệt hại này sẽ đẩy vốn cổ đông của họ về -150 tỷ yen cuối tháng 3.
Ngoài triển vọng tiêu cực trên, Toshiba cũng thông báo Chủ tịch Shigenori Shiga sẽ từ chức. Từ thời điểm đó, nhà đầu tư đã liên tục lo ngại về tình trạng của Toshiba. Giá cổ phiếu của họ chỉ còn 183,7 yen ngày 21/2, giảm 26% so với ngày 13/2. Giá trái phiếu của hãng cũng lao dốc.
Hãng đánh giá tín nhiệm Nhật Bản – Rating & Investment Information đã hạ 3 bậc xếp hạng của Toshiba ngày 15/2. Hai ngày sau, S&P Global Ratings tuyên bố có khả năng hạ nhiều bậc xếp hạng dài hạn của Toshiba, nếu họ không thể tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng chủ nợ.
Chủ tịch Toshiba – Shigenori Shiga tuyên bố từ chức
Sau một cuộc họp gần đây, các chủ nợ chính của Toshiba đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ tài chính cho công ty đến cuối tháng 2. Tuy nhiên, nếu các vấn đề mới tiếp tục nảy sinh, việc đàm phán về hỗ trợ tài chính có thể rơi vào ngõ cụt.
“Tôi đã chờ đợi liệu Toshiba có thể đưa ra giải thích rõ ràng về các lo ngại này hay không, như cái gì đã gây ra khoản lỗ lớn như thế, hoặc các vấn đề như hỗ trợ tài chính hay tiến trình bán mảng chip nhớ”, Mana Nakazora – Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại BNP Paribas Securities (Nhật Bản) cho biết. Tuy nhiên, khi báo cáo bị hoãn công bố, sự bất an chỉ càng tăng.
Sai lầm quản trị
Những đồn đoán cũng bắt đầu xuất hiện, rằng sức ép nội bộ là đến từ một lãnh đạo cấp cao tại Westinghouse – chi nhánh điện hạt nhân tại Mỹ của Toshiba, liên quan đến thương vụ mua công ty CB&I Stone & Webster năm 2015. Việc các nước thắt chặt quy định an toàn về hạt nhân sau thảm họa kép động đất – sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 đã khiến các công ty xây dựng nhà máy hạt nhân trên thế giới phải rất vất vả giữ dự án thực hiện đúng tiến độ và ngân sách.
Westinghouse cũng không phải ngoại lệ. Khi thời gian xây dựng bị kéo dài, công ty này đã phát sinh thêm 420 tỷ yen chi phí nhân công và 200 tỷ yen nguyên vật liệu. Vì thế, việc mua lại CB&I Stone & Webster được coi là giải pháp để hoàn thành các dự án bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina.
Vấn đề là không lãnh đạo nào, ngoài người trực tiếp chịu trách nhiệm cho thương vụ này, nghiên cứu cẩn thận việc mua lại có thể gây ra những gì. Do CB&I – công ty mẹ trước đây của doanh nghiệp bị Westinghouse mua lại – là một công ty niêm yết, “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng vào những thông tin được đưa ra”, ông Mamoru Hatazawa — Giám đốc chịu trách nhiệm mảng hạt nhân tại Toshiba cho biết.
Các dự án tại Mỹ của họ sau đó bắt đầu vượt dự toán và chậm tiến độ. Toshiba cũng thừa nhận đã định giá quá cao CB&I Stone and Webster.
Sai sót về mặt quản trị này khiến cả những người trong cuộc và ngoài cuộc đều khó chấp nhận. Đặc biệt khi nó xảy ra đúng thời điểm Toshiba đang nỗ lực củng cố quản trị nội bộ.
Tháng 4/2015, hình ảnh của Toshiba bị hủy hoại nghiêm trọng sau scandal gian lận kế toán để thổi phồng lợi nhuận hơn 1 tỷ USD. Hãng đã nhanh chóng sa thải các lãnh đạo cấp cao và cam kết cải thiện quản trị doanh nghiệp. Việc này đã có tác dụng, khi lợi nhuận tài khoá 2016 liên tục đi lên, nhờ mảng chất bán dẫn vững mạnh.
Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2016, những hy vọng lật ngược thế cờ của đại gia điện tử Nhật Bản lại bắt đầu tàn lụi. Trong một cuộc họp cổ đông, ông Shiga cho biết Westinghouse “có thể tạo ra khoản thiệt hại hàng trăm tỷ yen”. Câu nói này đã khiến toàn bộ căn phòng im lặng. Khi một giám đốc cho biết khoản giảm giá trị lớn đó đã được ghi nhận rồi, ông Shiga đáp lại rằng những khoản thiệt hại mới nhất này “là một vấn đề khác”.
Bán mảng chip nhớ
14/3 là hạn chót để Toshiba công bố báo cáo lợi nhuận. Họ cũng phải nộp lại một bản giải trình về khung quản lý nội bộ lên Japan Exchange Group – công ty điều hành các sàn chứng khoán lớn tại Nhật Bản. Nếu công ty này kết luận việc quản trị không được cải thiện, họ sẽ tiếp tục giữ cổ phiếu Toshiba trong diện cảnh báo và có thể rút niêm yết.
Quản trị yếu cũng khiến Toshiba gặp phải nhiều rủi ro khác. Đó là bảng cân đối kế toán của họ trở nên xấu xí vì các khoản lỗ khổng lồ. Đây là nguyên nhân khiến họ phải điều chỉnh kế hoạch bán mảng chip nhớ ngày 14/2.
Toshiba muốn bán mảng chip nhớ
Ban đầu, Toshiba thông báo với nhà đầu tư bên ngoài rằng họ sẽ chỉ bán dưới 20% cổ phần mảng chip nhớ. Tuy nhiên sau đó, họ nhận ra mình cần tăng vốn, và sẵn sàng hy sinh phần lớn cổ phần trong mảng kinh doanh chủ chốt này.
Vài ngày trước, Nikkei cho biết Toshiba sẽ sớm mở lại quy trình nhận hồ sơ đấu giá mua mảng chip nhớ theo các điều kiện mới. Ngoài yêu cầu giá tối thiểu 2.000 tỷ yen, tỷ lệ mua cũng được nâng lên ít nhất là 50%. Các công ty như Western Digital hay Micron Technologies được cho là sẽ nộp hồ sơ. Microsoft và Apple cũng nằm trong danh sách bên mua tiềm năng.
Ông Tsunakawa cho biết Toshiba cũng đang cân nhắc tìm nhà đầu tư cho Westinghouse để giảm tỷ lệ sở hữu của họ tại đây. Hiện Toshiba nắm 87% công ty này. “Chúng tôi vẫn chưa cân nhắc có hạ tỷ lệ này xuống dưới 50% hay không. Nhưng mọi khả năng đều có thể xảy ra”, ông cho biết.
Tương lai bất định
Những năm gần đây, Toshiba đã bán đi rất nhiều mảng kinh doanh chủ chốt và cổ phần trong các công ty khác. Năm 2015, họ bán cổ phần trong hãng sản xuất thang máy Kone với giá gần 920 triệu USD và một dây chuyền sản xuất tấm silicon cho Sony giá 19 tỷ yen. Năm ngoái, họ cũng bán Toshiba Medical Systems cho Canon với 665,5 tỷ yen và mảng điện tử gia dụng cho Midea (Trung Quốc) với 53,7 tỷ yen.
Toshiba nổi tiếng với các công nghệ sản xuất sản phẩm bán dẫn vượt trội. Mảng chip của họ được định giá 1.500 tỷ yen. Bên cạnh đó, bất chấp hàng loạt rắc rối, Toshiba vẫn là một trong những công ty hàng đầu thế giới về mảng điện hạt nhân. Họ cũng có lợi thế cạnh tranh trong nhiều sản phẩm, như thang máy, điều hòa nhiệt độ và đèn điện.
Ông Atsushi Osanai – Giáo sư tại Trường Kinh doanh Waseda cho biết kể cả khi bán mảng bán dẫn, Toshiba vẫn có thể tồn tại nếu quản trị đúng đắn để chuyển đổi các công nghệ còn lại thành mảng kinh doanh vững mạnh. “Nếu quản trị tốt, tôi cho rằng Toshiba sẽ vẫn là người chơi giá trị trong các lĩnh vực, như giải pháp hạ tầng”, ông nhận xét.
Dù vậy, việc chuyển đổi công ty sẽ cần mức độ hợp tác lớn hơn bây giờ rất nhiều. “Toshiba có thể tránh được một cuộc khủng hoảng nếu bán mảng bán dẫn. Tuy nhiên, sau đó họ sẽ lấy doanh thu từ đâu?”, một chuyên viên kế toán đang làm việc với Toshiba nghi ngờ, “Họ có nhiều mảng, nhưng mỗi mảng đều như một công ty độc lập, do thiếu giao tiếp. Toshiba đang cải tổ hệ thống kế toán sau scandal. Nhưng việc giao tiếp giữa các bộ phận vẫn còn chưa đủ. Đó chính là vấn đề”.
Rắc rối của Toshiba xuất phát từ những bất đồng giữa các lãnh đạo cấp cao. Nhưng việc giải quyết các rắc rối đó sẽ cần sự hỗ trợ khá lớn từ bên ngoài. Họ sẽ còn phải đi một chặng đường dài nữa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và vạch ra chiến lược tăng trưởng mới.
Theo vnexpress.net