Tinh Hoa

Tổng thống Zimbabwe kiên quyết không từ chức, người dân thất vọng đến bật khóc

Mặc dù bị loại khỏi vị trí lãnh đạo của đảng cầm quyền ZANU-PF và được hội cựu chiến binh Zimbabwe yêu cầu từ chức, nhưng Tổng thống Robert Mugabe đêm 19/11 khẳng định ông vẫn là người nắm quyền lực, khiến nhiều người dân thất vọng đến mức bật khóc.

Tổng thống Robert Mugabe kiên quyết không từ chức. (Ảnh: Telegraph)

Theo Reuters, quyết định được ZANU-PF, đảng cầm quyền tại Zimbabwe, đưa ra sau cuộc họp hôm 19/11. “Ông ta (Mugabe) đã bị loại bỏ. Mnangagwa hiện là lãnh đạo mới của chúng tôi“, 3 đại biểu của đảng ZANU-PF nói với Reuters.

Bà Grace Mugabe, phu nhân Tổng thống Mugabe, cũng bị ZANU-PF tước bỏ quyền lực trong tổ chức này.

Cũng trong ngày 19/11, người đứng đầu hội cựu chiến binh Zimbabwe Chris Mutsvangwa đã yêu cầu ông Mugabe rời khỏi chức tổng thống. “Quân đội phải kết thúc với ông ấy ngay hôm nay. Ông ấy tốt hơn hết là nên chuyển giao quyền lực cho họ“, AFP dẫn lời ông Mutsvangwa nói với các phóng viên trước khi tham gia cuộc họp giữa Tổng thống Mugabe và các tướng lĩnh quân sự.

Ông Mutsvangwa cũng cảnh báo sẽ tiếp tục kêu gọi biểu tình trên diện rộng nếu Tổng thống Mugabe không từ chức.

Hội cựu chiến binh là lực lượng có tiếng nói ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị Zimbabwe. Các cựu binh trong cuộc chiến giành độc lập cho Zimbabwe từng hết lòng trung thành với ông Mugabe, nhưng họ đã chuyển sang ủng hộ quân đội từ khi xảy ra cuộc binh biến chống lại Tổng thống.

Bất chấp những áp lực trên, Tổng thống Mugabe trong bài phát biểu trên truyền hình đêm 19/11 gián tiếp khẳng định sẽ không từ chức. “Đại hội đảng cầm quyền sẽ diễn ra trong vài tuần tới và tôi sẽ chủ trì hội nghị này”, ông Mugabe nói, gián tiếp ám chỉ ông sẽ tiếp tục nắm quyền lực cho đến ít nhất là giữa tháng 12.

Tổng thống Mugabe thừa nhận những náo loạn tuần qua đã xảy ra ở Zimbabwe từ quân đội và đảng Zanu-PF, nhưng nói “đó không phải là sự thách thức quyền lực đứng đầu nhà nước và chính phủ của tôi”.

AFP cho biết, một số người dân tụ tập ở các quán nước tại thủ đô Harare để theo dõi bài phát biểu đã thất vọng đến mức bật khóc. “Nhân dân cần trở lại đường phố biểu tình. Điều này không công bằng”, một người dân ở Harare nói.

Chris Mutsvangwa, chủ tịch Hội Cựu Chiến binh có ảnh hưởng lớn ở Zimbabwe, cũng kêu gọi biểu tình và đòi ông Mugabe phải bị phế truất ngay lập tức.

Tổng thống Robert Mugabe gặp các nhà lãnh đạo quân đội tại Harare. (Ảnh: AP)

Diễn biến tại Zimbabwe đang dẫn người ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong khi truyền thông phương Tây gọi hành động của quân đội Zimbabwe ngày 15/11 là đảo chính, các phe phái tại Zimbabwe gọi đó là một cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu.

Nguyên nhân của điều này được cho là do ông Mugabe bất ngờ sa thải “cánh tay phải” một thời, Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa để “dọn đường” đưa vợ lên thay thế.

Dù vẫn được nhiều người châu Phi coi là anh hùng giải phóng, Mugabe bị phương Tây nhìn nhận là nhà chuyên chế, người sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực và đã tàn phá một trong những quốc gia triển vọng nhất châu Phi.

Tú Văn (t/h)