Hiện nay, cuộc chạy đua giành tấm visa đi làm H-1B mà mọi sinh viên Việt Nam ở Mỹ đều khao khát không còn quyết liệt như các năm trước.
Đợt nộp hồ sơ xin H-1B cho tài khóa 2020 được mở ra ngày 1/4. Tính đến ngày 6/4, Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ thông báo đã nhận đủ hồ sơ để cấp đủ chỉ tiêu 65.000 visa H-1B theo diện bình thường. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang xác định xem đã nhận đủ hồ sơ để cấp đủ 20.000 visa H-1B theo diện dành cho người có bằng từ Cao học trở lên hay chưa.
Điều này có nghĩa là chỉ tiêu visa H-1B đang hết chậm hơn nhiều so với các năm trước. Chỉ vài ngày sau khi mở hồ sơ năm 2018 và 2017, các diện visa H-1B đều đã “cháy” chỉ tiêu.
“Có thể có tác động gây lo ngại cho các nhà tuyển dụng từ những lời công kích của chính quyền trong suốt hai năm qua. Khi các công ty cần người tài đến từ các nước, nhưng không thể chắc chắn rằng sẽ xin được visa, họ sẽ cảm thấy bất trắc”, Hassan Ahmad, một luật sư di trú ở Northern Virginia, nói với Quartz.
Kể từ năm 2014, chỉ tiêu visa H-1B đã hết chỉ trong vòng năm ngày nhận hồ sơ. Các công ty không muốn phải lỡ đợt xin visa và phải đợi thêm một năm, do vậy họ chuẩn bị và nộp hồ sơ ngay khi chính phủ bắt đầu tiếp nhận, theo Richard Burke, CEO của công ty di trú toàn cầu Envoy.Người lao động chỉ có thể xin visa H-1B nếu nhà tuyển dụng đồng ý bảo trợ và đứng ra nộp hồ sơ.
Mặc dù số hồ sơ của năm 2019 chưa được công bố, con số này đã giảm đáng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền tháng 1/2017. Các chuyên gia cũng dự đoán số hồ sơ lần này sẽ tiếp tục giảm.
Theo một khảo sát của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng sinh viên sang Mỹ lần đầu giảm trung bình 7% cho kỳ mùa thu 2017 so với một năm trước đó, tính trên 522 trường ở Mỹ.
Ngoài ra, với việc chính phủ kiểm tra rất kỹ các hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ (RFE), và từ chối hồ sơ nhiều hơn trước, các nhà tuyển dụng đang ngần ngại chi ra khoản phí 1.410 USD, chưa kể tiền thuê luật sư.
“Dù ông Trump không trực tiếp ra quyết định, quan điểm hay các văn bản nội bộ của chính phủ ảnh hưởng rất nhiều đến cách xem xét visa”, Abhinav Lohia, trưởng phòng Nam Á và Trung Đông của công ty tư vấn CanAm Investor Services, nói với Quartz. “Khi các hồ sơ bị soi xét rất kỹ và từ chối nhiều, chắc chắn sẽ khiến các công ty ngần ngại tuyển người nước ngoài”.
Theo Zing News