(TNO) Cuộc khủng hoảng tại Ukraine cùng căng thẳng đang leo thang giữa Nga và phương Tây giúp che đậy động thái âm thầm của Moscow nhằm chuyển hướng tập trung chiến lược vào châu Á, theo nhận định của bài viết đăng tải trên website của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowry (Úc).
Theo bài viết của tác giả Matthew Sussex, giám đốc chương trình Chính trị học và Quan hệ quốc tế tại Đại học Tasmania (Úc), đăng ngày 9.6 trên website Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowry, có 3 lý do để Tổng thống Nga Vladimir Putin xoay trục về châu Á. Lý do thứ nhất xuất phát từ mối lo ngại phải duy trì vị thế cường quốc năng lượng và tài nguyên của thế giới. Ông Putin đã nhận thấy sức tiêu thụ dầu và khí đốt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tăng rất mạnh trong 20 năm tới.
Cũng trong khoảng thời gian tương tự, các khách hàng châu Âu của Nga sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu năng lượng từ Mỹ khi nước này bắt đầu xuất khẩu . Ông Sussex nhận định Nga đang có cơ hội để tìm cách trở thành nhà cung cấp năng lượng cho châu Á.
Lý do thứ hai, Nga đang bắt đầu gia tăng giao thương và hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á, nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị. Cuối cùng, Nga đang đặt cược rằng thế kỷ 21 là “thời của châu Á”, và Moscow cho rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia tạo ra thay đổi về trật tự trong khu vực, cũng như trên thế giới. Hiện tại, câu hỏi chính trong quan hệ Nga – Trung là liệu Moscow có chịu trở thành đối tác có địa vị thấp hơn của Bắc Kinh hay không. Dường như tại thời điểm này, câu trả lời của Nga là đồng ý, bài viết trên website của Viện Lowry bình luận. Chiến lược xoay trục về châu Á “phiên bản” Nga Viện Lowry đưa ra những ý chính trong chiến lược xoay trục về châu Á của Nga: 1. Xoay trục về địa chính trị
Tác giả Matthew Sussex cho biết việc cải tạo quy mô lớn Hạm đội Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á của Nga. Trong vòng 10 năm nữa, hạm đội này sẽ chuyển từ đơn vị nhỏ nhất thành đơn vị lớn nhất của Hải quân Nga. Từ nguồn ngân sách hiện đại hóa quân đội trị giá khoảng 600 tỉ USD, hạm đội này sẽ được trang bị tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân và chiến hạm mới. Ngoài việc gia tăng số lượng khí tài, Nga đang ra sức phô diễn khả năng triển khai quân đội ra nước ngoài thông qua việc tàu hải quân nước này liên tục xuất hiện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, theo tác giả Matthew Sussex. Quan hệ Nga – Trung cũng đã bước sang giai đoạn thân thiết hơn. Từ một mối quan hệ bị cho là hời hợt, Moscow và Bắc Kinh hiện đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, năng lượng và quốc phòng. Cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải giữa Hải quân Nga và Trung Quốc mới đây một phần chỉ mang tính tượng trưng, nhưng là điều cách đây vài năm, không ai nghĩ sẽ xảy ra. Thêm một bất ngờ nữa là việc Nga mời quân đội Trung Quốc diễu hành tại Quảng trường Đỏ trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức hồi tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, về kinh tế, phần lớn các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng Viễn Đông thuộc Nga đều có tiền đầu tư của Bắc Kinh. Chưa hết, Nga và Ấn Độ hiện cũng có quan hệ rất mật thiết. Khoảng 70% khí tài của Ấn Độ do Nga sản xuất. Quân đội hai nước đều đặn tiến hành tập trận Indra, diễn ra 2 năm/lần tính từ năm 2003 đến nay. Moscow cũng là nhà thầu cung cấp khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ với tổng trị giá đến 43 tỉ USD. Quan hệ giữa Nga với các nước Đông Nam Á cũng đang sôi động. Nga đã bán tàu ngầm Kilo cho Việt Nam, thảo luận về các dự án đường sắt, các thương vụ bán máy bay quân sự và xe tăng với Thái Lan. Moscow hiện cố bán thêm tiêm kích Sukhoi cho Indonesia và hứa chuyển giao công nghệ kèm theo thương vụ này. 2. Xoay trục về tài nguyên – năng lượng
Nga đã sẵn sàng để trở thành một nhà cung cấp lớn cho thị trường năng lượng châu Á. Moscow đang lên kế hoạch sẽ đáp ứng 100% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Á vào năm 2025 nhờ vào mạng lưới đường ống dẫn dầu khổng lồ ở vùng Viễn Đông. Ông Sussex cho biết quyết định hủy dự án Dòng chảy phương Nam của ông Putin và thỏa thuận mang dự án này sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép Moscow bán một lượng khí đốt đến 6,5 triệu tấn/năm sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) qua ngả Hy Lạp. Đồng thời, khi cần, Moscow vẫn đủ khả năng chuyển hướng nguồn cung khí đốt này sang Ấn Độ và châu Á – Thái Bình Dương.
Dòng chảy phương Nam là một dự án khổng lồ nhằm xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga, qua Biển Đen, Bulgaria và Serbia, đưa khí đốt đến phía nam châu Âu. Ngoài ra, Tổng thống Putin còn muốn nhảy vào thị trường cung cấp than. Trong 20 năm tới, vị thế của than trong nguồn sử dụng năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm, nhưng vẫn sẽ chiếm hơn phân nửa nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này, theo dự đoán của bài viết đăng trên website Viện Lowry. Hoàng Uy |
Theo Thanh Niên