Tổng thống Barack Obama trong tâm thái vui vẻ đến với diễn đàn thế giới sau khi mở đợt không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) vào Thứ Ba (23/9), cho dù đang đối mặt rủi ro không nhỏ về chính trị trong và ngoài.
Sở dĩ Tổng thống Mỹ có được trạng thái phấn khởi như vậy là vì sách lược ngoại giao của ông đã thành công với lệnh điều quân hỗ trợ của 5 quốc gia nước Ả rập trong chiến dịch chống ISIS. Và điều đầu tiên ông chủ Nhà Trắng làm khi đến tham dự cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc là đích thân cám ơn năm đại diện các nước kể trên.
Nhưng khi mùa bầu cử quốc hội Mỹ sắp bắt đầu, cũng là lúc người kiểm soát Thượng viện đối mặt với nhiều rủi ro. Cuộc chiến mới do Tổng thống Obama phát động có thể gây nhiều vấn đề cho ông cũng như Đảng Dân Chủ nếu việc không xuôn xẻ như dự kiến.
Chiến dịch này có thể làm mai một sự ủng hộ của những nghị sỹ thuộc Đảng Dân Chủ theo đường lối phản chiến, từ đó quay sang và bỏ phiếu cho đảng đối lập vào Ngày Bầu Cử tháng 11 tới. Bất kỳ sơ suất nào cũng sẽ ảnh hưởng tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ ông Obama, hiện đang ở mức 40%, và sẽ khiến các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa dùi vào bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất.
Ít nhất là ban đầu, hành động của ông Obama đã ghi điểm với cả hai đảng. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, nhiều người Mỹ tỏ ý hài lòng khi Tổng thống Obama có những hành động đáp trả Nhà nước Hồi giáo cực đoan sau vụ ISIS hành quyết hai nhà báo và chế nhạo nước Mỹ.
Ông Frank Newport, tổng biên tập tại tổ chức nghiên cứu và tư vấn Gallup nhận định, mặc dù các cuộc thăm dò vào ngày 20-21/9 cho thấy đa phần dân Mỹ ủng hộ quyết định quân sự của Tổng thống, tuy nhiên “hiện vẫn chưa rõ liệu sau này người dân có tiếp tục ủng hộ Tổng thống Mỹ nữa hay không”.
Theo cuộc khảo sát được Reuters công bố ngày 12/9, nhiều người Mỹ ủng hộ việc Tổng thống Obama quyết định không kích ISIS, tuy nhiên họ không muốn chiến dịch này kéo dài. Ngoài ra, Tổng thống Obama còn đối mặt với trở ngại từ Quốc hội Mỹ. Việc bỏ phiếu cho phép thực hiện chiến dịch quân sự vào tuần trước nhưng lại giới hạn thời gian 2 tháng để quân đội Mỹ trang bị và huấn luyện cho phe đối lập Syria.
Các nhà lập pháp sẽ bàn về vấn đề này sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới. “Tổng thống Obama đắc cử là vì quan điểm phản chiến chứ không phải ủng hộ chiến tranh. Dĩ nhiên Tổng thống đang trong tính thế khá mạo hiểm, nhưng đa số người ủng hộ cho rằng cần phải làm một điều gì đó trong tình thế hiện giờ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng kết quả của cuộc không kích sẽ quyết định tất cả”, ông James Goldgeier, Trưởng khoa Các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học America nhận xét.
Một năm trước, Tổng thống Obama tránh tham dự nội chiến ở Syria vì dự đoán lành ít, dữ nhiều. Nay, do sự bành trướng của ISIS, ông Obama lại trở thành vị tổng thống phát động chiến tranh, đối lập với mô tuýp hình tượng mà ông từng nỗ lực để đạt được. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng đã tính tới việc Mỹ không đơn phương hành động.
Thách thức hiện nay đối với Tổng thống Obama là phải vạch ra lộ trình đàm phán cẩn trọng tại Trung Đông, để đảm bảo rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad không can thiệp khi Mỹ tấn công tiếp các mục tiêu của ISIS. Nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ về phản hồi từ ông Assad, bởi vì chính phủ Syria không thực sự kiểm soát những khu vực đang bị không kích.
Thêm vào đó, Tổng thống Obama còn cần phải đảm bảo, Thủ tướng Iraq là Haider al- Abadi sẽ thành lập chính phủ hòa giải dân tộc có sự tham gia của người Sunni, quan trọng hơn cả là huấn luyện và trang bị cho phiến quân Syria để giúp họ có thể giữ được những vùng đất giành được qua đợt không kích.
Ông Blaise Misztal, Giám đốc Chính sách Đối ngoại thuộc Trung tâm Chính trị lưỡng Đảng cho biết, có thể vào lúc này Quốc hội Mỹ ủng hộ ông Obama, tuy nhiên “nếu chiến sự càng kéo dài, rủi ro chính trị cho Tổng thống càng lớn”.
Bùi Hương, Công Lý – Theo Reuters