Ngày 6/9, chính quyền 15 bang của Mỹ cùng thủ đô Washington D.C. đã nộp đơn xin tòa án chặn đứng quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc tạm dừng chương trình Hành động Trì hoãn đối với Trẻ em Nhập cư từ nhỏ (DACA).
Biểu tình đã nổ ra từ thủ đô Washington D.C. đến nhiều thành phố lớn của Mỹ sau khi Tổng thống Trump yêu cầu chấm dứt chương trình Hành động Trì hoãn đối với Trẻ em Nhập cư từ nhỏ (DACA) của cựu tổng thống Barack Obama triển khai từ năm 2012, mang lại cơ hội ở lại Mỹ và làm việc hợp pháp cho khoảng 800.000 người nhập cư bất hợp pháp, nhiều người trong số họ được cha mẹ đưa đến Mỹ từ khi còn nhỏ.
Quyết định của chính quyền Trump đồng nghĩa với việc chương trình này bị “đóng băng” và những di dân trên đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
Đơn kiện của các bang cho rằng hành động của Nhà Trắng là vì sự phân biệt dành cho những người gốc Mexico và yêu cầu tòa án cho dừng quyết định trên.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng không có bằng chứng đủ mạnh để chứng tỏ chính quyền Tổng thống Trump có thành kiến.
“Nó có thể khơi dậy vấn đề, cũng có thể đẩy lùi ngày lệnh chấm dứt bắt đầu có hiệu lực nhưng tôi không thấy cơ hội cho vụ kiện tụng này được thành công như (việc các bang đã làm) với lệnh cấm nhập cảnh“, AP dẫn lời Kari Hong, một chuyên gia về nhập cư tại Trường Luật Boston. Hồi đầu năm 2017, các bang của Mỹ đã thành công trong việc yêu cầu chặn đứng thực thi lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Để củng cố cho luận điểm hành động của chính quyền Trump là vì phân biệt đối xử với người gốc Mexico, các đơn kiện đã chỉ ra những tuyên bố trước đó của ông Trump gọi người Mexico là kẻ hãm hiếp hoặc việc ông đã ân xá cho viên cảnh sát Joe Arpaio ở bang Arizona, người từng bị kết tội cố tình lờ đi phán quyết của tòa án liên bang về việc ngưng tuần tra biên giới và nhắm vào người nhập cư.
“Chấm dứt DACA, chính sách với đối tượng tiếp nhận phần lớn là người gốc Mexico, là cực điểm của cam kết mà ông Trump thường đề cập – dù đó là cam kết cá nhân, hay được nói ra để làm vừa lòng cử tri về việc trừng phạt và hạ thấp những người gốc Mexico”, AP dẫn đơn kiện được gửi lên tòa án liên bang ở Brooklyn (New York).
Trong đơn kiện chống lại lệnh cấm nhập cư hồi đầu năm 2017, bang Hawaii đã lập luận rằng sắc lệnh trên được tạo động lực một cách bất hợp pháp từ sự phân biệt tôn giáo chống lại đạo Hồi. Hawaii đã sử dụng các phát ngôn về đạo Hồi của ông Trump trong chiến dịch tranh cử để làm luận cứ.
Một tòa án liên bang đã đồng ý ra lệnh chặn đứng lệnh cấm dù tòa tối cao sau đó đã cho thực thi một phiên bản khác của sắc lệnh.
Các tổng chưởng lý ở những bang đâm đơn kiện về DACA đều là người phe Dân chủ và đến từ những bang có số lượng người hưởng chính sách DACA từ vài trăm đến hàng nghìn. Tổng chưởng lý bang New York Eric T. Schneiderman nói quyết định của ông Trump, cho dừng DACA và buộc quốc hội có quyết định cuối cùng trong 6 tháng, là “tàn nhẫn, thiển cận và vô nhân đạo”.
Trong khi đó, những người phản đối DACA gọi đây là một sự lạm dụng quyền hành pháp và vi hiến từ thời ông Obama.
Số phận của những người nhập cư giờ đây được đặt vào tay Quốc hội với những nghị sĩ đã liên tục cố gắng nhưng thất bại để thông qua đạo luật. Thư ký báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders nói rằng tổng thống trông chờ quốc hội thông qua “gói cải cách nhập cư có trách nhiệm” với tiền bạc được dùng để kiểm soát vùng biên giới với Mexico và bảo vệ tốt hơn công ăn việc làm của người Mỹ, cũng như “những kẻ mộng mơ”.
TinhHoa tổng hợp