Hôm 21/11, Tổng thống Robert Mugabe đã chính thức tuyên bố từ chức sau khi Quốc hội bắt đầu quy trình luận tội ông. Ngay khi tin này được loan ra, người dân khắp đất nước Zimbabwe như vỡ òa trong niềm vui bất tận.
“Tôi, Robert Gabriel Mugabe, căn cứ vào điều 96 Hiến pháp Zimbabwe, nay chính thức xin từ chức… với hiệu lực tức thì“, Chủ tịch Quốc hội Jacob Mudenda hôm 21/11 đọc thư của ông Mugabe trước Hạ viện, theo AFP.
“Quyết định từ chức của tôi là tự nguyện. Điều này bắt nguồn từ mối quan tâm của tôi với phúc lợi của nhân dân Zimbabwe và mong muốn của tôi về việc bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, hoà bình, không bạo lực, làm nền tảng cho an ninh quốc gia, hoà bình và ổn định“, ông Mugabe cho biết trong thư.
Các nghị sĩ hò reo khi Chủ tịch quốc hội Mudenda báo tin và đình chỉ quy trình luận tội, theo Reuters.
Trên đường phố thủ đô Harare, người dân nhảy múa, ca hát, bấm còi và hò reo khi biết tin. Họ đã chờ đợi điều này suốt nhiều năm qua và may mắn thay nó đã đến mà không có cảnh nồi da xáo thịt.
AP dẫn lời một quan chức đảng cầm quyền cho hay, Phó Tổng thống mới bị sa thải Emmerson Mnangagwa sẽ làm Tổng thống trong vòng 48 giờ tới, sau khi ông Mugabe từ chức. Lovemore Matuke, quan chức cấp cao đảng cầm quyền, tiết lộ ông Mnangagwa, người bỏ trốn khỏi Zimbabwe sau khi bị sa thải, “đang ở không xa nơi này”.
Nước Anh, quốc gia từng cai trị Zimbabwe, đã ngay lập tức lên tiếng sau sự ra đi của ông Mugabe. Thủ tướng Theresa May tuyên bố người dân Zimbabwe đã cho thấy họ muốn “các cuộc bầu cử tự do và công bằng, và cơ hội tái thiết nền kinh tế đất nước dưới một chính phủ hợp pháp“. Bà May cho rằng, Anh là “người bạn lâu năm nhất của Zimbabwe” và sẽ “giúp nước này tiến tới một tương lai tươi sáng hơn mà họ xứng đáng được hưởng“.
Trong thời gian qua, Tổng thống Mugabe liên tục đối mặt các lời kêu gọi từ chức với áp lực ngày càng lớn. Ông bị đảng cầm quyền ZANU-PF phế truất chức chủ tịch đảng hôm 19/11, thay thế là ông Mnangagwa.
Ngày 14/11, quân đội Zimbabwe thực hiện các hoạt động quân sự nhằm truy lùng “những phần tử tội phạm” xung quanh ông Mugabe, giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống và vợ tại nhà. Dù tuyên bố đây không phải là cuộc đảo chính, quân đội Zimbabwe và một số thành viên đảng cầm quyền gây sức ép đòi Tổng thống Mugabe từ chức.
Quân đội chiếm quyền sau khi ông Mugabe sa thải Phó Tổng thống Mnangagwa, người được đảng cầm quyền ưa chuộng để kế nhiệm ông. Việc ông Mugabe sa thải cấp dưới được cho là nhằm mở đường cho bà Grace Mugabe, 52 tuổi, kế nhiệm chức tổng thống của chồng. Bà bị những người chỉ trích đặt biệt danh là “Gucci Grace” vì nổi tiếng thích mua sắm hàng hiệu.
Ông Mugabe giữ chức tổng thống kể từ khi Zimbabwe giành độc lập khỏi Anh năm 1980. Dù vẫn được nhiều người châu Phi coi là anh hùng giải phóng, nhưng ông Mugabe bị phương Tây nhìn nhận là nhà chuyên chế, người sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực và đã tàn phá một trong những quốc gia triển vọng nhất châu Phi.
Tú Văn (t/h)