Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) hôm 24/6 cho biết, Tổng chưởng lý William Barr đã chấp nhận lời mời làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, liên quan đến chiến dịch Trump năm 2016, Epoch Times đưa tin.
“Tổng chưởng lý đã chấp nhận lời mời xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho phiên điều trần giám sát chung vào ngày 28/7,” phát ngôn viên của DOJ – Kerri Kupec tuyên bố trên Twitter hôm 24/6.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện là Jerrold Nadler của thành phố New York đe dọa Barr bằng trát lệnh, buộc vị Tổng chưởng lý ra làm chứng trước phiên điều trần ngày 2/7 nếu như ông không tự nguyện.
Ban đầu, Barr đã lên kế hoạch tự nguyện ra làm chứng vào cuối tháng 3/2020, nhưng lúc đó đại dịch Covid-19 hoành hành, buộc ủy ban Hạ viện phải hủy bỏ các thủ tục tố tụng. Lời khai đã được lên lịch lại vào đầu tháng 6, nhưng DOJ cho biết Barr không thể tham gia – trích dẫn từ một hướng dẫn của Nhà Trắng ngày 29/5, hạn chế các quan chức cấp nội các tham gia phiên điều trần quốc hội vào tháng 6 trong thời gian đại dịch hoành hành.
Đảng Dân chủ đã giám sát DOJ vô cùng chặt chẽ từ đầu năm 2020 vì cho rằng, Bộ này đã hành động theo sự can thiệp chính trị không phù hợp từ Tổng thống Donald Trump, trong các vụ kiện liên quan đến cựu cộng sự của Tổng thống như cựu cố vấn Roger Stone và luật sư của Trump, cựu Thị trưởng New York – Rudy Giuliani.
Đảng Dân chủ đã coi phiên điều trần là một cơ hội để tìm thông tin, và thực hiện trách nhiệm giám sát của mình về cách xử lý một số vấn đề của Bộ Tư pháp, bao gồm vụ án liên quan đến cựu cố vấn Roger Stone, vụ án hình sự chống lại cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, thăm dò của bộ về nguồn gốc của cuộc điều tra phản gián của FBI, chiến dịch Trump năm 2016 và tạo ra một quy trình mới, để điều tra thông tin bất cứ ai về Ukraine, bao gồm cả Giuliani.
Các nhà lập pháp Hạ viện cũng muốn nghe lời khai từ Tổng chưởng lý, về việc sa thải Geoffrey Berman gần đây của Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ. Geoffrey Berman là luật sư ở Quận phía Nam New York (SDNY) – người ban đầu đã chống lại các lời kêu gọi từ chức trước khi bị bãi nhiệm, sau khi vị Tổng chưởng lý được ủy quyền từ Tổng thống Donald Trump.
Được biết trong thời gian tại vị, Berman đã lãnh đạo công tố điều tra tội phạm ấu dâm của Jeffrey Epstein, trước khi Epstein tự sát trong tù.
Việc sa thải Berman đã gây ra tranh cãi, vì SDNY dưới sự lãnh đạo của ông cũng giám sát việc truy tố cựu luật sư cá nhân của Trump, Michael Cohen, và buộc tội hai cộng sự của Giuliani. Các nhà phê bình cáo buộc Tổng chưởng lý Barr đã tiếp tay trong vụ sa thải Berman.
Ngay sau khi Berman bị sa thải, Nadler cho biết ủy ban của ông sẽ mở một cuộc điều tra về vấn đề này, tuyên bố Barr chắc chắn xứng đáng bị luận tội, nhưng có lẽ sẽ thoát khỏi việc bị luận tội, bởi vì Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ khó có thể loại bỏ ông ấy khỏi văn phòng.
Vị Tổng chưởng lý Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự giám sát về vai trò của ông, trong việc xử lý những người biểu tình trên Quảng trường Lafayette gần Nhà Trắng vào ngày 1/6. Những người biểu tình đã bị giải tán khỏi khu vực này, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump và một số phụ tá của ông đi qua khu vực để đến thăm nhà thờ St. John gần đó.
Một số phương tiện truyền thông báo cáo rằng, những người biểu tình đã bị giải tán một cách “thẳng tay” bằng hơi cay và đạn cao su, để nhường chỗ cho chuyến viếng thăm nhà thờ của ông Trump, nhưng Barr đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ mối tương quan nào về 2 sự kiện này.
Barr nói rằng quyết định giải tỏa công viên đã được đưa ra trước khi ông biết Tổng thống Trump sẽ đến phát biểu ở đó, và “đây không phải là hoạt động để đối phó với đám đông, mà là hoạt động để di chuyển một vành đai sau các cuộc bạo loạn dữ dội xảy ra ở khu vực này trong vài ngày trước đó”.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)