Tinh Hoa

Tôn Chính Tài: Ngôi sao vụt tắt trên chính trường Trung Quốc

Mới đây, nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, người từng được xem là một ứng cử viên cho đội ngũ lãnh đạo thế hệ tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chính thức khởi động quá trình điều tra.

Cựu bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài. (Ảnh: Scmp)

Trong thông báo ngắn, Cơ quan công tố Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu điều tra Tôn Chính Tài với cáo buộc tham nhũng và chấp thuận có “những biện pháp cưỡng chế” đối với ông, ám chỉ việc bắt người.

Lãnh đo “quy hoch”

Tôn Chính Tài sinh năm 1963 ở tỉnh Sơn Đông, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Lai Dương. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ nông nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh, Tôn Chính Tài bắt đầu dấn thân vào chính trị khi đảm nhiệm chức Chủ tịch huyện Thuận Nghĩa ở Bắc Kinh vào năm 1997.

Trở thành Ủy viên Thường vụ thành phố Bắc Kinh năm 2002, Tôn làm việc dưới quyền Bí thư Thành ủy Lưu Kỳ. Lưu Kỳ trong thời gian này có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Vương Kỳ Sơn, Thị trưởng Bắc Kinh, người sau này được ông Tập bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Tôn Chính Tài được cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp vào cuối năm 2006 ở tuổi 43. Ba năm sau, Tôn Chính Tài được đề bạt làm Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm.

Không chỉ vậy, người ta cho rằng cơ sở ủng hộ của ông Tôn Chính Tài lớn gấp bội cơ sở ủng hộ của ông Hồ Xuân Hoa, vì ông Tôn được đồn đãi là được cả hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – khi còn là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc – ưu ái.

“Ngôi sao” Tôn Chính Tài bắt đầu vụt sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc khi được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2012. Cùng với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài từng được “quy hoạch” trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp sau Chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2012, Tôn Chính Tài được điều về Trùng Khánh, khi thành phố này vừa trải qua cơn “địa chấn” Bạc Hy Lai, cựu Bí thư bị bắt và kết án chung thân vì hành vi tham nhũng và lạm quyền.

Trước đó, ông Bạc cũng từng được xem là một “ngôi sao đang lên” của chính trường Trung Quốc. Và cũng như Tôn Chính Tài, ông Bạc thăng tiến nhanh chóng nhờ có sự bảo trợ của ông Giang Trạch Dân. Đặc biệt, ông Bạc được ông Giang đặc biệt ưu ái do ủng hộ nhiệt tình các chính sách của ông Giang, trong đó có cuộc đàn áp bị thế giới lên án nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa giúp nâng cao tâm tính và sức khỏe theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Chiếc ghế Bí thư Thành ủy Trùng Khánh được coi là một cơ hội rất tốt cho sự nghiệp của Tôn Chính Tài, có thể giúp ông trở thành một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong Đại hội 19 diễn ra vào cuối năm 2017, làm nền tảng cho những vị trí cao nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Ngã ngựa”

Thế nhưng, Trùng Khánh cũng là “miền đất dữ” không chỉ chôn vùi sự nghiệp của Bạc Hy Lai. Đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bất ngờ cử một đoàn công tác đến thành phố này để “thanh tra toàn diện”. Kết quả được công bố sau đó cho rằng Trùng Khánh đã không nỗ lực hết mình để xóa bỏ các “tàn dư độc hại” của Bạc Hy Lai, cũng như không nghiên cứu đầy đủ các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Tôn Chính Tài từng là một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi. (Ảnh: AFP)

Ngày 15/7, chỉ 5 ngày sau khi công khai tuyên bố trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tôn Chính Tài đã bị cách chức, thế chỗ là ông Trần Mẫn Nhĩ, một trong những thân tín từng gắn bó nhiều năm với Tập Cận Bình ở Chiết Giang.

Tháng 11/2017, ông Tôn Chính Tài bị cho ra khỏi Quốc hội và loại bỏ khả năng miễn trừ khỏi bị truy tố. Cuối tháng 7/2017, Tôn Chính Tài bị điều tra và sau đó bị truy tố với rất nhiều tội trạng: không có niềm tin lý tưởng, đi ngược lại tôn chỉ của Đảng, đánh mất lập trường chính trị, chà đạp nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị của Đảng; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định và kỷ luật quần chúng, thích phô trương, ham đặc quyền; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, chọn và dùng người theo tình thân và lợi ích, tiết lộ bí mật tổ chức; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác, quan liêu nghiêm trọng, lười biếng; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật sinh hoạt, sa đọa trụy lạc, dùng quyền đổi sắc.

Những đồn đoán

Các chuyên gia phân tích cho rằng cú “ngã ngựa” bất ngờ của Tôn Chính Tài là dấu hiệu cảnh báo cho thấy ông Tập sẽ lựa chọn người kế nhiệm theo nguyên tắc của riêng mình chứ không phải tuân thủ sự sắp đặt của người tiền nhiệm.

“Tôn Chính Tài là phát pháo hiệu để Chủ tịch Tập Cận Bình phát đi thông điệp tới toàn đảng”, Wu Qiang, cựu giảng viên Khoa học chính trị Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định. “Ông Tập đã phát tín hiệu rằng ông không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu đề bạt mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã đưa ra”.

Theo bà Susan L. Shirk, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California, Mỹ, quyết định cách chức Tôn Chính Tài là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của ông Tập; đồng thời là một động thái phá bỏ quy tắc đề bạt cán bộ đã được những người tiền nhiệm hoạch định, và cho rằng “Trần Mẫn Nhĩ có vẻ như là người được ông Tập trông đợi hơn”.

Trong khi đó, không ít người đã liên kết sự thất sủng của Tôn Chính Tài với những con “hổ lớn” đã bị đánh đổ. Trong số những cáo buộc có liên quan đến chính trị có mối quan hệ của vợ Tôn Chính Tài với vợ chồng Lệnh Kế Hoạch, phụ tá chính trị hàng đầu của cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Cũng có tin nói rằng Giám đốc Công an Trùng Khánh dưới thời Bí thư Thành ủy Tôn Chính Tài có quan hệ với “Hùm xám” Chu Vĩnh Khang hiện đã bị tống giam.

Tội ác phản nhân loại

Thời gian ông Tôn Chính Tài nhậm chức ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh cũng là giai đoạn Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công cao trào nhất. Ông Tôn đã tận lực chấp hành chính sách bức hại của ông Giang Trạch Dân và phe cánh của ông này. Những người tập Pháp Luân Công ở Thuận Nghĩa đều bị bức hại, hơn chục người bị kết án bất hợp pháp, khoảng 40 – 50 người bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, và vô số người bị giam giữ bất hợp pháp.

Theo Báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, những nơi mà ông Tôn Chính Tài lần lượt “chấp chính” đều phát sinh những chiến dịch bức hại Pháp Luân Công quy mô lớn. (Ảnh: Youtube)

Sau khi ông Tôn Chính Tài tiếp quản Cát Lâm đã tiếp tục nỗ lực hết sức thực thi các chính sách bức hại của ông Giang Trạch Dân và ĐCSTQ. Chưa đầy một năm sau khi ông Tôn nhậm chức, có ít nhất 29 người tập Pháp Luân Công ở Cát Lâm đã bị bức hại đến chết, trong đó có anh Lương Chấn Hưng, người đã tham gia vụ chèn sóng truyền hình cáp giảng chân tướng gây chấn động ở Trường Xuân.

Ngày 26/10/2012, trước khi ông Tôn Chính Tài nhậm chức Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm một tháng, ông còn chủ trì hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, trong đó đã nhấn mạnh cần phải thẳng tay và trừng trị nghiêm khắc đối với các trường hợp Pháp Luân Công. Theo số liệu thống kê của trang Minghui.org, trong thời gian Tôn Chính Tài tại nhiệm, mức độ bức hại Pháp Luân Công trên toàn tỉnh chỉ gia tăng thêm chứ không giảm xuống.

Sau khi Tôn Chính Tài tiếp quản Trùng Khánh, ông này đã kế tục chính sách bức hại nghiêm trọng những người tập Pháp Luân Công của ông Bạc Hy Lai và ông Vương Lập Quân. Đặc biệt là từ tháng 7/2015 đến nay, dưới sự chỉ đạo của ông Tôn Chính Tài với vai trò Bí thư thành ủy Trùng Khánh, hàng loạt các tổ chức như Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610 của Trùng Khánh và các quận huyện, Sở Công an, đồn cảnh sát và ủy ban dân phố… đã tiến hành nhiều hình thức bức hại người tập Pháp Luân Công gửi đơn kiện ông Giang Trạch Dân lên Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối tháng 11/2015, đã có 28 quận huyện trên địa bàn thành phố phát sinh các vụ bức hại nghiêm trọng như sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, cưỡng chế tẩy não những người tập Pháp Luân Công khởi kiện ông Giang Trạch Dân, trong đó có 66 người bị khám nhà tịch thu tài sản, hơn 50 người bị bắt đến các đồn cảnh sát địa phương hoặc văn phòng ủy ban khu phố, 22 người bị giam giữ phi pháp, 10 người bị kết án và hàng trăm người bị đưa đến các trung tâm giáo dục để cưỡng chế tẩy não.

Ngoài ra cũng có hàng trăm người bị theo dõi, sách nhiễu hoặc ép ký tên vào những văn bản nào đó… Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 8/2016, tại thành phố Trùng Khánh có 21 người tập Pháp Luân Công bị đưa ra xét xử phi pháp hoặc giam giữ kéo dài, 94 người bị bắt giữ phi phái, 61 người bị sách nhiễu và 1 người bị bức hại đến chết.

Suốt 18 năm ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, tại Thuận Nghĩa Bắc Kinh, Cát Lâm hay Trùng Khánh, những nơi mà ông Tôn Chính Tài lần lượt “chấp chính” đều phát sinh những chiến dịch bức hại Pháp Luân Công quy mô lớn. Là người đứng đầu cơ quan hành chính ở những địa khu nói trên, ông Tôn Chính Tài sẽ không thể thoát khỏi việc phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.

Nguyên tắc của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) là: Người nào phạm tội, ắt sẽ phải chịu tội; tổ chức tập thể phạm tội thì mỗi cá nhân sẽ phải chịu tội; tiếp tay cho bức hại thì cũng đồng tội với chủ mưu bức hại. Cuộc bức hại Pháp Luân Công là tội ác diệt chủng phản nhân loại. Không thể lấy lý do “chấp hành mệnh lệnh” làm cái cớ để thoát khỏi tội bức hại, tất cả những ai tham gia bức hại đều sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân mình.

Tuệ Tâm (t/h)