Mới đây, một ngư dân Canada đã phát hiện con tôm hùm có “hình xăm” logo Pepsi trên càng, và không ai biết tại sao điều này có thể xảy ra.
Karissa Lindstrand, người chuyên đánh bắt tôm hùm, phát hiện con tôm hùm kỳ lạ ở vùng biển ngoài khơi đảo Grand Manan, New Brunswick, Canada, International Business Times hôm 29/11 đưa tin.
Lindstrand, người uống đến 12 lon Pepsi một ngày, nhanh chóng nhận ra “hình xăm” này: “Tôi nhận ra đó là logo của Pepsi“. Cô nói thêm rằng khi nhìn gần hơn, nó có vẻ giống như hình xăm trên càng. “Nó trông giống như hình được in vào càng tôm“.
Lindstrand cho hay, cô cùng với những thành viên thủy thủ đoàn khác chưa bao giờ nhìn thấy điều tương tự. Họ thảo luận với nhau về nguyên nhân gây ra “hình xăm”.
Nhiều người nghĩ là có một vỏ lon nước ngọt chìm dưới đáy biển và khi con tôm hùm này lớn, nó đã phát triển đè lên chiếc vỏ. Một số ý kiến khác cho rằng họa tiết này không phải của vỏ lon mà từ một thùng nước ngọt.
Tuy nhiên, Lindstrand không đồng ý với những giả thuyết trên. Cô nhận định hình trên càng rất nét như được in vào, không hề có dấu hiệu của lon Pepsi. Còn nếu là hộp giấy Pepsi thì đã bị phân hủy dưới đại dương.
Theo Roland Geyer, chuyên gia về ô nhiễm biển tại Đại học California, lớp sơn trên logo của lon nước ngọt có thể bong ra và bám vào vỏ của con tôm hùm khi nó còn nhỏ, dần trở thành hình xăm giống như “vết bớt” trên trẻ sơ sinh. “Hình xăm” này nhiều khả năng sẽ theo con tôm hùm đến hết đời.
Phát hiện trên đã làm dấy lên những lo ngại về lượng rác thải dưới đáy đại dương. Tình trạng ô nhiễm rác thải đang diễn ra rất phổ biến ở các đại dương, theo Hội đồng Bảo tồn New Brunswick.
Có thể vết xăm kỳ lạ của con tôm hùm này do một mảnh vỏ nhôm gây ra, nhưng rác thải nhựa cũng là vấn đề đáng báo động trên thế giới. Nhựa có thể gãy thành nhiều mảnh nhỏ và nguy hiểm cho những sinh vật nuốt phải, Matt Abbott, người quản lý tại vịnh Fundy, cho biết.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa nghiêm trọng đến mức có những khối rác khổng lồ gồm chai nhựa, túi đựng máu và một số loại rác khác trôi nổi trên biển như những hòn đảo. Một nghiên cứu chỉ ra có khoảng 4-12 triệu tấn nhựa được thải xuống biển mỗi năm.
“Nhiều loài vật có nguy cơ bị mắc vào hoặc ăn phải rác thải nhựa. Rác thải nhựa cũng tạo thành một loại rào chắn trên các bãi biển gây cản trở hoạt động của những sinh vật như rùa biển và làm giảm sự đa dạng của các loài không xương sống ven bờ“, nhà nghiên cứu Jennifer Lavers nói.
Tú Văn (t/h)