Một cựu chỉ huy trong chiến tranh Bosnia đã uống thuốc độc tự sát ngay sau khi thẩm phán tại Tòa án Hình sự quốc tế (ICTY) ở La Haye tuyên án. Bị cáo bị xem là tội phạm chiến tranh nhưng bản thân cho rằng mình hành động vì dân tộc.
Tướng Slobodan Praljak chết tại bệnh viện ở The Hague sau khi ông ta uống chất độc tại phòng tuyên án thuộc Tòa án Hình sự quốc tế (ICTY) ở La Haye, Hà Lan, trong phiên xử 6 tội phạm chiến tranh vào ngày 29/11.
Chỉ vài giây sau khi thẩm phán phúc thẩm giữ nguyên bản án 20 năm tù, bị cáo Praljak – cựu thủ lĩnh quân đội 72 tuổi người Croatia gốc Bosnia – hét lên: “Praljak không phải là người phạm tội ác chiến tranh“, rồi lập tức uống dung dịch từ một chiếc lọ nhỏ. Praljak lĩnh bản án này từ năm 2013.
Luật sư của Praljak sau đó hét lên: “Thân chủ của tôi nói rằng ông ấy đã uống thuốc độc“. Thẩm phán chủ toạ dừng phiên tòa và gọi bác sĩ. Các xe cứu thương và một máy bay trực thăng được điều tới để chuyển Praljak vào bệnh viện.
Praljak, 72 tuổi, bị cáo buộc là người ra lệnh phá hủy cây cầu ở thành phố Mostar có từ thế kỷ 16 vào tháng 11/1993. Theo thẩm phán trong phiên xét xử đầu tiên, hành động của ông đã gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với công dân người Hồi giáo.
Chiến tranh Bosnia là cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở Bosnia & Herzegovina từ tháng 4/1992 đến tháng 12/1995, sau khi liên bang Nam Tư tan rã. Các bên tham chiến chủ yếu là lực lượng Cộng hoà Bosnia & Herzegovina, lực lượng người Serbia và lực lượng người Croatia tại Bosnia. 100.000 người thiệt mạng trong chiến tranh này.
Là lãnh đạo cấp cao của quân đội Cộng hòa Bosnia & Herzegovina của Croatia chiến đấu chống người Bosnia trong cuộc chiến 1992-1995, ông Praljak lại được xem như anh hùng trong mắt người Croatia.
Vào tuần trước, nữ Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic của Croatia đã dùng cụm từ “Tướng Praljak”, để vinh danh ông Praljak nhân sự kiện tổ chức tại nước nhà.
“Đóng góp của Tướng Slobodan Praljak là phần quan trọng không chỉ cho việc bảo vệ Croatia và Bosnia chống lại cuộc tấn công của lực lượng Serbia mà còn cho sự tồn vong của dân tộc Croatia trên lãnh thổ lịch sử trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc“, bà Grabar-Kita tuyên bố.
Hay tin về cái chết của ông Praljak qua truyền thông, bà Grabar-Kita đã lập tức cắt ngắn lịch trình thăm chính thức Iceland để quay về nước. Trong mắt bà, Praljak là hiện thân của “sự thật mà ông ấy không ngừng bảo vệ sau cuộc chiến“.
Tú Văn (t/h)