Bật mí: Lý do đó không phải vì tôi lười đâu nhé…
8/2/2017 là ngày mà chiếc Nokia 6 đầu tiên có mặt tại Việt Nam và tôi là người có vinh hạnh được sử dụng (hay đúng hơn là mượn) chiếc điện thoại này trong suốt những tuần vừa qua. Đương nhiên, lý do mà tôi có quyền được mượn chiếc smartphone đình đám này không còn gì khác, ngoài việc gửi đến các bạn một bài đánh giá chi tiết về Nokia 6, về sự trở lại của ông hoàng một thời.
Đáng tiếc thay, có một điều mà tôi phải thừa nhận với các bạn rằng: Trong khoảng thời gian gần 2 tuần với Nokia 6, tôi đã không thể hoàn thành được bài đánh giá cho chiếc máy này. Tôi vẫn cắm SIM vào Nokia 6, và nó vẫn nằm trong một bên túi quần để theo tôi trên mọi nẻo đường. Tôi vẫn nhớ đến sự tồn tại của nó mỗi khi có người gọi đến, tuy nhiên khi có việc cần đến lướt web, nhắn tin, bản đồ… thì thay vì Nokia 6, tôi lại sử dụng chiếc iPhone ở túi quần còn lại. Còn khi ở nhà, chiếc Nokia 6 thường bị tôi bỏ xó một chỗ.
Đương nhiên, tất cả sự “phũ phàng” này đều có lý do của nó, và đó chính là sự thiếu vắng của dịch vụ Google đã khiến cho khả năng của Nokia 6 bị hạn chế rất nhiều tại Việt Nam.
Trong trường hợp bạn chưa biết, tính đến thời điểm hiện tại, Nokia 6 vẫn chỉ được bán duy nhất tại thị trường Trung Quốc. Những chiếc máy tại đây đều không được tích hợp bất kỳ ứng dụng và dịch vụ nào của Google, bao gồm cửa hàng Play Store. Trong khi những chiếc máy Xiaomi xách tay từ Trung Quốc có thể dễ dàng cài đặt thêm bằng ứng dụng bên thứ ba mang tên Google Installer, thì ứng dụng này cũng “bó tay” với Nokia 6.
Cho đến nay vẫn chưa có cách nào để cài đặt dịch vụ Google cho máy có lẽ do phạm vi thị trường còn quá hạn hẹp nên chưa có nhiều “vọc sĩ” có cơ hội “ra tay”.
Đương nhiên, với tính “mở” của Android thì ta có thể dễ dàng cài đặt ứng dụng thông qua file APK. Tuy nhiên, ngoài một số ứng dụng không phụ thuộc vào dịch vụ Google như Facebook, Facebook Messenger hay Zing MP3, thì tất cả các ứng dụng của Google đều yêu cầu nó. Như vậy, người dùng Nokia 6 sẽ phải nói không Youtube, Gmail, Google Maps, Google Keep, Google Drive hay Google Photos và rất nhiều những dịch vụ khác.
Và với việc cuộc sống số của người Việt Nam, trong đó có tôi, không thể thiếu Google, cộng thêm quá trình cài đặt ứng dụng có quá nhiều vấn đề (tải file APK khá rườm rà và ẩn chứa nguy cơ bảo mật), thì không ngạc nhiên khi tôi chỉ coi Nokia 6 như một cục gạch cao cấp có khả năng chụp ảnh.
Do tôi không thể trải nghiệm chiếc Nokia 6 theo cách mà mình muốn, vậy nên tôi cũng không thể làm bài đánh giá chiếc smartphone này. Và kể cả có đi chăng nữa, thì nó cũng không thể nào chính xác và khách quan. Trong đó, một yếu tố sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều là pin, khi không có dịch vụ Google chạy ngầm, thời gian pin chờ của máy thường sẽ cao hơn so với mức thực tế, từ đó gây ảnh hưởng đến kết quả của bài đánh giá.
Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm được dành riêng cho thị trường Trung Quốc cũng đem đến rất nhiều phiền toái khác. Công cụ tìm kiếm mặc định luôn là Baidu và không thể thay đổi, ứng dụng Lịch hiển thị rất nhiều ký tự tiếng Trung mặc dù đã đổi ngôn ngữ hệ thống sang tiếng Anh/Việt, và bực mình nhất là việc tôi thường xuyên bị “spam” rất nhiều thông báo Trung Quốc mà không hiểu nó là gì và tắt ở đâu.
Đã có một số thông tin gần đây cho biết HMD Global sẽ chính thức gia nhập thị trường smartphone Việt và bán chiếc Nokia 6 chính hãng trong thời gian tới. Vì vậy, tôi sẽ đợi đến khi nào có một phiên bản hoàn chỉnh (ít nhất là được cài đặt sẵn dịch vụ Google) để tiến hành đánh giá chi tiết.
Mặc dù vậy, qua một thời gian sử dụng Nokia 6, tôi cũng có một số nhận xét nhanh (về các yếu tố không phụ thuộc vào phần mềm) như sau:
– Về thiết kế, Nokia 6 là một trong những chiếc điện thoại đẹp nhất và có chất lượng gia công tốt nhất trong tầm giá. Mặc dù mặt lưng của máy có đôi chút gây tranh cãi với dải anten “lấy cảm hứng” từ iPhone 7, tuy nhiên khó có thể nói thiết kế của Nokia 6 là một sự sao chép. Và sao chép thì cũng có làm sao, khi máy đem lại một vẻ ngoài cao cấp hơn hẳn những sản phẩm cùng phân khúc, các chi tiết cũng được gia công hết sức tỉ mỉ, ngay cả những thứ nhỏ nhất như nút bấm.
Điểm yếu duy nhất có lẽ là cảm giác cầm máy không thật sự thoải mái do trơn và hơi cấn tay. Ngoài ra, chất liệu nhám cũng sẽ lưu lại những vết bẩn từ dấu vân tay và mô hôi của bạn, tuy nhiên có thể lau chùi một cách dễ dàng.
– Loa ngoài: Nokia 6 được trang bị hệ thống loa kép, với một loa nằm ở đáy (cạnh cổng microUSB) và một loa nằm ở loa thoại. Tuy nhiên, do loa nằm ở loa thoại cho công suất khá yếu, hiệu ứng stereo tạo ra không thật sự rõ rệt. Nói một cách tổng thể thì hệ thống loa của máy để lại trong tôi một ấn tượng rất nhạt nhòa, và bạn chớ nên mua Nokia 6 chỉ vì loa kép.
– Màn hình: Với kích thước 5.5 inch, độ phân giải Full HD và công nghệ IPS, không ngạc nhiên khi thấy Nokia 6 cho một chất lượng hiển thị sắc nét, màu sắc tươi tắn và góc nhìn rộng. Hệ điều hành Android 7.0 Nougat giúp người dùng tận dụng tối đa kích thước màn hình lớn, qua tính năng năng chia đôi màn hình và chạy song song hai ứng dụng cùng một lúc (split-screen multitasking).
Một điều mà phần mềm Nokia 6 chưa làm được là khả năng nhận diện lòng bàn tay (palm rejection), tức là khi người dùng cầm máy và lòng bàn tay chạm vào mép màn hình, màn hình cảm ứng sẽ không đủ thông minh để nhận diện đó là điểm tì để bỏ qua và kết quả là màn hình cảm ứng sẽ không nhận diện những điểm còn lại.
Chúng ta hãy chờ đợi những bất ngờ mà HMD Global sẽ đem đến cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới, và cùng với đó, đừng quên đón đọc bài đánh giá chi tiết mà tôi hứa sẽ gửi đến các bạn một khi Nokia 6 chính thức được bán tại nước ta.
Và hy vọng qua bài viết này, các bạn cũng sẽ rút ra được một kinh nghiệm: Đừng bao giờ mua một chiếc điện thoại xách tay từ Trung Quốc mà không chắc rằng nó có cài được Play Store hay không kẻo nó sẽ lại gặp chung số phận “hẩm hiu” như chiếc Nokia 6 này.
Theo genk.vn