Trung Quốc sắp mở rộng chương trình giám sát và thưởng phạt công dân dựa trên hành vi xã hội, lần này là tại thủ đô Bắc Kinh.
Theo Hãng tin Bloomberg, nhà cầm quyền Trung Quốc mô tả chương trình giám sát – vốn đã được triển khai thí điểm tại thành phố Hàng Châu đông 9,5 triệu dân – là một đề án “liêm khiết cá nhân”.
Sau Hàng Châu, từ đây đến năm 2021, cả 22 triệu cư dân thành phố Bắc Kinh cũng sẽ nằm trong diện “chịu sự theo dõi” (ở nơi công cộng), và chính quyền sẽ chấm điểm dựa trên hành vi và uy tín của họ.
Cách thức hệ thống giám sát vận hành khá dễ hiểu.
Người dân nào chấp hành luật lệ, biểu hiện các hành vi vì cộng đồng, ví dụ như hiến máu, sẽ kiếm được tín dụng xã hội tốt, được thưởng bằng các quyền lợi “kênh xanh”, chẳng hạn khả năng tiếp cận công ăn việc làm, phòng gym…
Ngược lại, người nào vi phạm pháp luật, bao gồm luật giao thông, sẽ “phải trả giá đắt” – theo cách diễn đạt của chính quyền Trung Quốc. Họ có thể bị cấm tiếp cận nhiều thứ, bao gồm cả mua vé máy bay, vé tàu…
Chương trình đánh giá công dân hoạt động bằng cách tổng hợp thông tin từ nhiều cơ quan Chính phủ Trung Quốc và bộ ngành có liên quan, sử dụng các công nghiệp kết nối công dân vốn đang ngày càng trở nên phổ biến trong kỷ nguyên di động, chẳng hạn ứng dụng WeChat và Alipay.
Chính quyền Trung Quốc đã theo sát chương trình đánh giá công dân kể từ khi nó được triển khai ở Hàng Châu cuối năm 2017. Khi mới bắt đầu, họ thuyết phục người dân rằng chương trình chỉ có mục đích “dẫn dắt công dân trở thành người lương thiện và thúc đẩy các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc, dư luận thế giới có cái nhìn khác về chương trình giám sát này, đa phần ý kiến nói nó vi phạm quyền riêng tư con người.
>>> Tai mắt của ĐCSTQ có mặt khắp các trường đại học, cao đẳng
Theo TuoiTre.vn