Ngày 15/9, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã có 1 quyết định thay đổi đáng kể, Tòa tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan tới các tội ác hủy hoại môi trường.
Theo Reuters, kể từ khi thành lập theo Quy chế Rome 1998, tòa án có trụ sở chính thức tại The Hague (Hà Lan) là một tòa án thường trực có trách nhiệm truy tố những cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.
Nhưng nay, ICC sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới những tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân.
Với sự thay đổi đáng kể này, các nhà hoạt động và các luật sư cho biết trong các hợp đồng bàn giao đất trái phép dẫn tới việc phải dùng bạo lực di dời người dân, các giám đốc điều hành doanh nghiệp hoặc các chính trị gia có thể phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế.
Theo hãng luật về nhân quyền Global Diligence LLP, có trụ sở tại London (Anh), các tội ác về môi trường sẽ được xem xét điều tra theo những thẩm quyền hiện có của ICC.
Các nhà vận động chiến dịch và các luật sư nhân quyền cho rằng sự thay đổi này của ICC cho thấy thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của các tội ác gây ra với môi trường. Nó cũng giúp các nạn nhân có thể tìm công lý thông qua hệ thống tòa án hình sự quốc tế nếu đơn khiếu nại của họ không được giải quyết ở cấp tòa án trong nước.
Sự thay đổi chính sách này của ICC được công bố ngay trước thời điểm công tố viên Fatou Bensouda của ICC phải ra quyết định về việc có điều tra hay không một vụ việc do nhóm luật sư nhân quyền khởi kiện năm 2014, buộc tội các quan chức và doanh nhân Campuchia đã tước đoạt quyền sử dụng đất một cách trái phép.
Hãng luật Global Diligence LLP là đơn vị đại diện cho các nguyên đơn Campuchia cho biết sự thay đổi chính sách của ICC đã mở ra cơ hội giúp vụ việc này được tòa quốc tế thụ lý, điều tra.
Trong khi đó chính phủ Campuchia cho rằng đây là vụ việc có động cơ chính trị xúi bẩy và dựa trên “những con số không có thật về những người bị ảnh hưởng trong quá trình thâu tóm đất đai”.
Theo tổ chức Global Witness, năm 2015 là năm xảy ra nhiều nhất các vụ xung đột bạo lực liên quan tới vấn đề đất đai với tỉ lệ cứ mỗi tuần lại có 3 người thiệt mạng trong các vụ xung đột đất đai với các công ty khai khoáng, khai thác gỗ, doanh nghiệp xây dựng đập thủy điện hoặc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Theo Tuoitre