Nghiên cứu dựa vào hóa thạch của loài chim cổ từng sống ở Trung Quốc 100 triệu năm trước đây cho thấy, những loài lông vũ đầu tiên từng sở hữu tới “4 chiếc cánh”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện bằng chứng của lông lớn trên chân của 11 mẫu vật chim hóa thạch đang được lưu trữ tại Bảo tàng Tự nhiên Tianyu, Sơn Đông, Trung Quốc. Sự tồn tại của các lông này cho thấy, những loài chim đầu tiên sở hữu 4 cánh, yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng trong sự hoàn thiện khả năng bay lượn.
Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng, loài chim tiến hóa từ khủng long có lông vũ. Lập luận này càng trở nên có cơ sở sau khi hóa thạch loài khủng long có lông vũ được phát hiện. Năm 2000, các nhà khoa học tìm thấy sự tồn tại của loài khủng long di chuyển bằng 2 chân tên gọi Microraptor, với lớp lông vũ bao phủ quanh các chi. Sau đó, người ta tìm thấy hóa thạch của loài Archaeopteryx, được cho là giai đoạn chuyển tiếp giữa khủng long có lông vũ và chim hiện đại. Các hóa thạch có lông bao phủ chi sau đều là các sinh vật sống trong Kỷ Phấn Trắng, cách đây 150 – 100 triệu năm. Lông vũ của 11 hóa thạch này đều cứng và mọc thẳng ra từ chân những con chim cổ đại, với diện tích bề mặt đủ lớn để hỗ trợ quá trình bay lượn của các loài chim. Tuy các hóa thạch này thuộc về bốn nhóm khác nhau nhưng chúng đều sở hữu đặc điểm chung là có lông ở chi sau. Lông này bao phủ toàn bộ chân, bao gồm cả phần bàn chân. Kiểu lông này lần đầu xuất hiện ở những loài khủng có lông vũ và tiếp tục duy trì trong thời kỳ đầu của quá trình hình thành loài chim ngày nay trước khi biến mất hoàn toàn. Dù khẳng định được lông từng bao phủ chi sau của loài chim nhưng cách thức chúng sử dụng lợi thế này để cất cánh vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một số nhà khoa học tin rằng, bề mặt lông phẳng cùng với việc mọc vuông góc có thể giúp những con chim cổ đại sở hữu lợi thế khí động học để cất cánh. Tuy nhiên, số khác tin rằng các lông này chỉ được dùng để ve vãn bạn tình chứ không giúp ích cho việc bay của loài chim. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing