Tờ Los Angeles Times đã từ chối tham gia vào một cuộc phản kháng tập thể của gần 200 cơ quan báo chí chống Trump. Nhóm này hô hào đồng loạt đăng bài vào ngày 16/8 chỉ trích Trump đã tấn công tự do báo chí.
Trong một bài xã luận giải thích về lý do không tham gia nhóm phản kháng Trump, tờ L.A Times nói rằng họ coi trọng tính độc lập của mình. Tờ báo này cho hay: “Sẽ không có bài xã luận nào về tự do báo chí trên tờ báo của chúng tôi hôm nay. Điều này không phải vì chúng tôi không tin Tổng thống Trump đã tham gia vào một cuộc tấn công thô lỗ, mị dân và bất công đối với nghề nghiệp của chúng ta… Tuy nhiên, Ban biên tập [L.A Times] đã quyết định không viết bài về chủ đề này vào ngày 16/8 vì chúng tôi trân quý tính độc lập của mình”.
“Ban biên tập Los Angeles Times không nói thay cho New York Times hoặc cho Boston Globe hoặc cho Chicago Tribune hay cho Denver Post. Chúng tôi chia sẻ những quan điểm nhất định với những tờ báo này; chúng tôi không đồng ý về những điểm khác. Ngay cả khi chúng tôi rất tán thành về một bài xã luận khác, chẳng hạn về án tử hình hoặc biến đổi khí hậu, hay chiến tranh ở Afghanistan. Chúng tôi đi tới các quyết định và lập trường của chúng tôi sau khi tham vấn và thảo luận cẩn thận, kỹ lưỡng cùng nhau, và rồi chúng tôi viết các bài bình luận của chính mình. Chúng tôi không muốn gây ấn tượng rằng chúng tôi bị dẫn dắt bởi những bên khác, hoặc chúng tôi tham gia vào một quyết định theo nhóm”, L.A Times lưu ý thêm.
Bình luận về làn sóng báo giới chống Trump, tờ Breitbart News – hãng tin cánh hữu cho rằng, một số nhà báo cáo buộc những phê bình mà ông Trump dành cho truyền thông “tin giả” gây nguy cơ tổn hại tới tự do báo chí, nhưng thực tế người tiền nhiệm Barack Obama cũng tấn công các hãng tin không đồng quan điểm với ông, nổi bật là Fox News.
Breitbart trích dẫn bài báo của phóng viên James Risen tờ New York Times hồi tháng 12/2016:
“Trong 8 năm qua, chính phủ Obama đã truy tố chín trường hợp liên quan đến [cơ quan báo chí], so với chỉ ba [trường hợp] của tất cả các chính quyền trước đó cộng lại. [Chính phủ Obama] đã nhiều lần sử dụng Đạo luật Gián điệp, một tàn tích từ thời Thế chiến I, không truy tố các điệp viên, nhưng giám sát các quan chức chính phủ nói chuyện với các nhà báo.
Dưới thời ông Obama, Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã gián điệp các phóng viên bằng cách theo dõi điện thoại của họ, gắn nhãn một nhà báo tội đồng mưu chưa kết án trong một vụ án hình sự đơn thuần chỉ vì người này thực hiện nghiệp vụ báo chí, cung cấp trát của quốc hội triệu tập điều trần tới cho các phóng viên khác để họ tiết lộ nguồn tin của họ và làm chứng trong các vụ án hình sự”.
Breitbart cho biết phóng viên James Risen thời điểm đó thực sự rất đơn độc khi có phản ánh trái chiều về chính phủ Obama nêu trên.
Tổng thống Donald Trump, dường như để chứng minh ông không làm tổn hại tự do báo chí, trong phiên họp Nội các vào ngày 16/8 đã bất ngờ cho phép truyền thông vào tham dự buổi họp kéo dài gần một giờ. Điều này là chưa từng có tiền lệ dưới thời Tổng thống Obama.
“Nếu quý vị muốn, quý vị có thể ở lại. Nếu quý vị thích rời đi, thì cứ rời đi, tự do báo chí”, ông Trump nói với các phóng viên trong buổi họp Nội các tại Nhà Trắng.
Được biết, trong buổi họp này, các thành viên Nội các đã cập nhật với Tổng thống về nhiều thành công của chính phủ đương nhiệm và báo cáo về công việc mà họ đang làm trong những vấn đề quan trọng. Cuộc họp này được cho là kéo dài khoảng 56 phút.
Theo Breitbart, mặc dù cho phép báo chí tham dự cuộc họp, nhưng ông Trump đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên, trong đó có một câu hỏi rất đáng chú ý rằng tổng thống có hay không việc sử dụng từ “mọi đen” để miệt thị một cựu nhân viên Nhà Trắng người Mỹ gốc phi.
Theo Trithucvn