Vào ngày 30/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập một Hội nghị Cục Chính trị ĐCSTQ, nhấn mạnh việc quân đội phải tập trung chuẩn bị cho chiến tranh. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 ngày ông Tập nhấn mạnh việc chuẩn bị cho chiến tranh, điều này đã khiến ngoại giới chú ý.
Theo báo cáo của các hãng truyền thông ĐCSTQ, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp vào ngày 30/11 để xem xét “Quy định về công tác chính trị trong quân đội”, “Quy định về công tác của Mặt trận thống nhất ĐCSTQ” và “Quy định về bảo vệ quyền lợi của đảng viên ĐCSTQ” v.v.
Ông Tập Cận Bình khi chủ trì cuộc họp cũng đã phát biểu, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương ĐCSTQ và Quân ủy Trung ương đối với quân đội, thực hiện chu đáo trách nhiệm lãnh đạo công tác chính trị của tổ chức đảng các cấp, đồng thời chú trọng tập hợp lực lượng chuẩn bị chiến đấu “đánh giặc”, kết hợp chặt chẽ công tác chính trị vào mọi mặt xây dựng hiệu quả chiến đấu.
Khi Tập Cận Bình tham dự cuộc họp huấn luyện quân sự của Quân ủy Trung ương tại khách sạn Cảnh Tây ở Bắc Kinh cách đây 5 ngày, ông cũng yêu cầu tập trung chuẩn bị chiến đấu chống giặc. Ông cũng nói rõ rằng trước những biến hóa mới trong điều kiện an ninh và tình hình đấu tranh của quân đội hiện tại v.v. đòi hỏi quân đội phải tăng cường nhận thức về nguy hiểm.
Một số nhà phân tích cho rằng bài phát biểu của Tập Cận Bình cho thấy vị thế hiện tại của ĐCSTQ trên trường quốc tế đã khiến ông ta lo lắng.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ không ngừng bành trướng ra nước ngoài, thường xuyên gây xung đột với các nước láng giềng như ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và biên giới Trung – Ấn. Thêm vào đó là việc che giấu dịch bệnh đã khiến dịch Vũ Hán hoành hành khắp thế giới, lại lợi dụng việc các nước bận rộn chống dịch để thực hiện “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao chiến lang” để cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ra quốc tế, đặc biệt là trong lúc dịch bệnh đang hoành hành thì ban hành cái gọi là Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, xâm phạm Hồng Kông, và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền Tân Cương, v.v, tất cả những điều này đã khiến thế giới phương Tây tức giận.
Nhật Bản, Úc, Mỹ và Ấn Độ đang cố gắng đoàn kết các nước Đông Nam Á và các quốc gia khác để tạo ra một “NATO châu Á” nhằm đối đầu với ĐCSTQ. Khi Thủ tướng Úc Scott Morrison đến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 11, ông đã đạt được thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga về việc tăng cường hợp tác quân sự song phương nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, khiến cho đà khuếch trương của ĐCSTQ gặp phải một lực cản nghiêm trọng.
ĐCSTQ đã cảm thấy ngày lụi tàn?
Jamie Seidel – Phóng viên của hãng truyền thông news.com.au của Úc từng nói trong một bài báo rằng, Tập Cận Bình đã bị các tướng lĩnh quan trọng trong quân đội Cộng sản Trung Quốc khiển trách, cho rằng ông ta đã phá hủy cơ hội “thống trị thế giới” chỉ vì các sách lược chiến lang của mình.
Bùi Mẫn Hân, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, tại Diễn đàn An ninh Aspen cũng đã tiết lộ rằng những chỉ trích về Tập Cận Bình đã lan truyền trong nội bộ ĐCSTQ, cho rằng ông Tập đã chọc giận Mỹ quá sớm và thậm chí một liên minh quốc tế chống lại ĐCSTQ đã được tạo ra.
Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất các quốc gia trên thế giới để kiềm chế ĐCSTQ, thì đồng thời họ cũng không ngừng giáng những đòn nặng nề để chống lại tham vọng bành trướng quân sự toàn cầu của ĐCSTQ.
Tin tức mới nhất được Reuters tiết lộ vào ngày 30/11 cho biết, chính quyền Trump đang chuẩn bị đưa nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC và Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc vào danh sách đen công nghiệp – quân sự của ĐCSTQ, và hạn chế quyền tiếp cận đầu tư của Mỹ. Đã có 31 công ty Trung Quốc bị được đưa vào danh sách này trước đó.
Vào tuần trước, Reuters cũng đưa tin cho biết, chính quyền Trump sắp thông báo rằng có 89 công ty hàng không vũ trụ của Trung Quốc có quan hệ quân sự với các công ty khác, và hạn chế họ mua một loạt hàng hóa và công nghệ của Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 12/11, cấm các công ty và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát từ ngày 11/1 năm sau; và yêu cầu các công ty phải rút vốn đầu tư trước ngày 11/11. Đồng thời Tổng thống Trump cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã loại bỏ 11 nhà cố vấn cấp cao, trong đó có Henry Kissinger, khỏi Ban Chính sách Quốc phòng.
Về vấn đề này, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Chu Hiểu Huy giải thích rằng những người này (cố vấn cấp cao) chủ yếu ủng hộ việc “ôm lấy ĐCSTQ”, điều này lại trái với chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump là coi ĐCSTQ là “kẻ thù chính”.
Chu Hiểu Huy nhận định rằng động thái của Tổng thống Trump trước tiên là “tuyên chiến” với chính phủ ngầm của Mỹ và ĐCSTQ, đồng thời thể hiện thái độ không khoan nhượng. Thứ hai là điều chỉnh và làm trong sạch Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan để đảm bảo rằng các thành viên sẽ thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống Trump, đồng thời ngăn cản những cố vấn bị sa thải này lấy được bí mật quân sự nhằm tránh họ can thiệp vào các hoạt động trong tương lai.
Chu Hiểu Huy cũng nói rằng trước những hành động cứng rắn của Tổng thống Trump, dường như Bắc Kinh đã cảm nhận thấy ngày tàn lụi của mình.
Lương Phong