Thời điểm vừa cảm nhận được nhịp tim của con thì cũng là lúc cô phát hiện mình bị ung thư. Số phận éo le bắt cô phải chọn lựa tính mạng của mình hay sinh mạng đứa trẻ. Nhưng dù gia đình khuyên ngăn thế nào cô vẫn quyết giữ lấy con. Thậm chí để cứu thai nhi, căn bệnh của cô đã chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 3, nhưng cô chưa bao giờ hối hận…
Hai năm trước, cô Hà (người Đài Loan) đang mang thai thì bị đau bụng dữ dội, khi đi khám phát hiện có một khối u ở buồng trứng. Cô vẫn đang kiên trì điều trị và khẳng định: “Khó khăn nào tôi cũng đều có thể vượt qua, chỉ hy vọng rằng có thể nhìn thấy con trai mình trưởng thành!”
Món quà bất ngờ
Cô Hà là người thường xuyên phải theo dõi u xơ buồng trứng và u xơ tử cung nên không dễ để thụ thai tự nhiên. Khi bác sĩ cho biết cô bị ung thư buồng trứng và yêu cầu cô quyết định bỏ hay giữ đứa trẻ, cô đã không ngần ngại đáp rằng muốn giữ “món quà bất ngờ” này, “huống hồ tôi đã cảm nhận được nhịp tim của đứa trẻ…”.
Khi mới biết kết quả chẩn đoán, cô Hà vẫn có thể bình tĩnh thảo luận nhiều phương án với bác sĩ, nhưng đến khi đi tản bộ, cô không kìm được phải ôm chầm lấy nhân viên điều dưỡng mà khóc lớn. Cho đến khi bình tĩnh trở lại, cô mới gọi cho chồng. Mặc cho chồng cô khuyên: “Con thì không nhất định phải có, nhưng tính mạng của em là quan trọng, chúng ta sẽ luôn ở bên nhau.” Và dù bị người nhà phản đối, nhưng cô Hà vẫn quyết tâm tiếp tục chờ ngày sinh linh bé bỏng chào đời.
Sau khi con trai chào đời an toàn, cô bắt đầu tiếp nhận điều trị, căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 1 ban đầu lúc này đã chuyển sang giai đoạn 3. “Nhưng tôi không hối hận chút nào, đặc biệt nhìn thấy con trai khỏe mạnh tôi lại càng vui mừng“, cô Hà chia sẻ.
Khuyến khích những người bạn ung thư khác sống tích cực hơn
Cô Hà là người luôn sôi nổi, hướng ngoại, cô thường xuyên đến thăm bệnh nhân cùng tầng lầu trong thời gian điều trị. Thậm chí chỉ vài ngày sau khi cắt bỏ lá lách, khối u nhỏ ở gan và điều trị theo liệu pháp ôn nhiệt vùng bụng, cô vẫn đẩy chiếc xe có gắn bình thuốc truyền nhỏ giọt sang các phòng bệnh khác để chào hỏi.
Bởi vì cô biết rằng, một người nằm tại phòng bệnh sẽ có cảm giác bất lực và cô đơn. Và những bệnh nhân với nhau sẽ có cùng quan điểm, dù không nói ra cũng có thể thấu hiểu nỗi đau và tâm trạng của nhau, có thể còn nhiều hơn cả người thân hay bạn bè của họ nữa.
Sau khi lâm bệnh, cô hiểu rõ hơn rằng với những áp lực khác nhau trong cuộc sống, trước đây cô luôn tự phong bế mình quá chặt và đã hình thành thói quen tự mình đối mặt với mọi chuyện như vậy rồi. Còn bây giờ, khi cảm thấy buồn bực, cô thường chọn cách khóc để trút bầu tâm sự, ra ngoài đi dạo hoặc gọi điện cho một vài người bạn để “khóc cùng mình” và tìm cách giải quyết.
Học cách chung sống hòa bình với tế bào ung thư
Sau nửa năm nghỉ dưỡng bệnh, cô Hà trở lại tiếp quản công việc điều hành kinh doanh công nghệ cao. Dù chỉ số ung thư vẫn tiếp tục tăng, cô cố gắng điều chỉnh tâm trạng của bản thân, học cách buông bỏ những chấp trước của bản thân. Chẳng hạn khi nóng giận thì cô không chìm vào tâm trạng buồn bực cáu kỉnh, mà lập tức rời khỏi hiện trường, đi dọn dẹp nhà vệ sinh, chà rửa bồn cầu, để nhanh vơi đi những điều không vui.
Cô ấy nói với các tế bào ung thư trong cơ thể mình rằng: “Ta cũng ngươi như, ta không thấy ngươi, ngươi cũng không thấy ta, vậy chúng ta cùng sống hòa thuận với nhau nhé”!
Khi lần tiếp theo quay lại điều trị, bác sĩ nói với cô rằng “Tôi có lòng tin vào cô”, khiến cô được cổ vũ rất nhiều.
Trong khoảng thời gian này, cô rất cảm ơn cha mẹ đã ủng hộ cô, giúp đỡ cô chăm sóc con, để cô có thể yên tâm quay lại phòng khám điều trị cũng như trở lại nơi làm việc, gặp gỡ mọi người. Cô rất cảm ơn gia đình chồng đã thấu hiểu và thông cảm cho sự lựa chọn của cô, họ đã đối xử với cô bằng một thái độ rất bao dung và hài hước, điều này thật sự khiến cô như được an ủi.
Cô cũng rất cảm ơn cậu con trai 2 tuổi của mình, cậu bé rất ngoan và biết quan tâm đến mẹ, khi mẹ bị “đau bụng”, cậu sẽ không đột nhiên chạy ào đến vì sợ đụng phải chỗ đau của mẹ.
Cô cũng thường xuyên nói lời cảm ơn với gia đình, nói yêu thương mọi người, và liên lạc nhiều hơn với bố mẹ và chị gái.
Hy vọng có thế thấy con trai trưởng thành
“Lúc đầu, tôi thấy một người rời khỏi nhóm bạn ung thư, và tôi hỏi một người quản lý, thì được biết người đó đã qua đời. Nhìn thấy người bạn ung thư này hai ngày trước vẫn còn nhắn tin mà bây giờ đã rời nhóm, tâm tình của tôi rất phức tạp, tôi càng cảm thấy sợ không thể đồng hành cùng con trai đến khi nó trưởng thành, tôi cũng không muốn cha mẹ mình chưa già mà đã phải mất đi con gái. Vậy nên tôi càng quyết tâm dù khó khăn thế nào thì cũng phải kiên cường vượt qua và đi tiếp.”
Đối mặt với việc điều trị sau này, cô Hà nghĩ: “Hãy tin tưởng và hợp tác với bác sĩ của bạn”.
Ngoài ra, cô không hề coi mình như một người bệnh. Cô không muốn nằm trên giường bệnh một cách bất lực, mà luôn vận động thân thể và giữ cho tâm trạng của mình thật tích cực, vui vẻ, yêu đời.
Hơn nữa, cô luôn tâm niệm rằng điều quan trọng nhất là trong khi đau đớn cũng vẫn phải đối xử thật tốt với người khác, vì đó cũng là tốt với chính mình.
Thế Di