Tinh Hoa

Tin vui tại Congo: Bệnh nhân cuối cùng nhiễm Ebola đã hồi phục

Theo thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nhân cuối cùng được chẩn đoán nhiễm Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã được xuất viện. Đây là một bước tiến lớn để tạo nên dấu chấm hết hoàn toàn cho bệnh dịch với tỷ lệ tử vong cao thứ 2 trên thế giới này. 

Bệnh nhân Ebola cuối cùng của Congo ăn mừng khi cô được về nhà từ một trung tâm điều trị ở thị trấn Beni. (Ảnh qua Kampala Dispatch)

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát toàn cầu, công cuộc đẩy lùi dịch Ebola đã ghi nhận được những tiến độ tích cực.

Theo CNN, vào thứ Ba (3/3) vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi đã đăng tải lên Twitter một đoạn video ghi lại cảnh đội ngũ chăm sóc y tế đứng hát và nhảy múa cùng một bệnh nhân nhiễm Ebola để ăn mừng cho sự xuất viện của cô. 

WHO chia sẻ: “[Thật là] một ngày đầy cảm xúc tại thành phố Beni, Cộng hòa dân chủ Congo khi Masiko, bệnh nhân mắc Ebola cuối cùng tại đây đã hồi phục và được xuất viện. Đội ngũ Tổ chức Y tế Thế giới rất vui được chia sẻ tin mừng này tới Masiko, Bộ Y tế Cộng hòa dân chủ Congo cùng các cộng sự và người dân tại Beni”.

Người phụ nữ nhiễm Ebola này đã được xuất viện khỏi trung tâm điều trị tại thành phố Beni, một trong những khu vực tái bùng phát Ebola kể từ tháng 8/2018.

Mặc dù ca ngợi “nỗ lực không ngừng nghỉ” của các cơ sở điều trị đang nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi vẫn kêu gọi người dân cần thận trọng và cảnh giác: 

“Dịch bệnh Ebola vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn tại Cộng hòa dân chủ Congo. Mọi người vẫn phải đề cao cảnh giác trong thời gian sắp tới”, bà Moeti nói. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện 46 người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola vẫn đang được cách ly theo dõi. 

Tính đến nay, dịch Ebola đã cướp đi mạng sống của 2.226 người tại Congo. Đây là lần thứ 10 dịch bệnh tái bùng phát tại quốc gia này kể từ khi virus Ebola được phát hiện vào năm 1976. 

Trận tái bùng phát kéo dài 20 tháng này đã trở nên tồi tệ hơn do xung đột vũ trang và bạo lực tại khu vực Bắc Kivu và tỉnh Ituri của Congo, khiến một số cán bộ y tế cũng bị lây nhiễm và tử vong. 

Được biết, giai đoạn 2014-2016 là giai đoạn đại dịch Ebola bùng phát lớn nhất khi có ít nhất 11.300 ca tử vong được ghi nhận tại Tây Phi.

Đến tháng 2 vừa qua, 4 quốc gia tại châu Phi gồm Cộng hòa dân chủ Congo, Bu-run-đi, Gha-na và Dăm-bi-a đã được cấp phép sử dụng vắc-xin phòng ngừa Ebola và nhiều quốc gia khác sẽ được thêm vào danh sách này, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Huy Hoàng (Theo CNN)