T-50 là chiến đấu cơ có khả năng cơ động “siêu phàm”, khó bị radar phát hiện, có thể chiến đấu hiệu quả ở bất cứ khoảng cách nào, tấn công cả mục tiêu trên không lẫn trên bộ.
Lenta.ru dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết trong năm 2015, nước này sẽ thử nghiệm 3 tiêm kích mới Su T-50, được sản xuất theo chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA. Cũng theo nguồn tin trên, các chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 vẫn được phát triển theo đúng lịch trình. Mặc dù năm 2014, nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 chưa được thử nghiệm. Tuy nhiên, năm 2015, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm 3 mẫu mới của dòng tiêm kích này. “Trong năm 2014, các tiêm kích T-50 mới chưa được thử nghiệm vì các nhà thiết kế phải bổ sung một số chức năng trong cấu trúc của máy bay mà theo đánh giá là chưa đạt yêu cầu trong lần thử nghiệm 5 chiếc đầu tiên trước đó”, nguồn tin cho biết. Tiêm kích T-50 do Tập đoàn Sukhoi sản xuất theo chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA, lần đầu tiên Sukhoi trình làng Su T-50 là năm 2010. Tháng 2/2014, tiêm kích T-50 đã trải qua chương trình thử nghiệm cấp nhà nước. Tại thời điểm này, Sukhoi PAK FA đã có 5 mẫu sẵn sàng dành cho thử nghiệm. Năm 2016, sẽ bắt đầu cung cấp hàng loạt loại tiêm kích Su T-50 cho quân đội Nga. Theo chương tình vũ khí quốc gia, đến năm 2020, Không quân Nga sẽ nhận 60 tiêm kích Su T-50 theo chương trình PAK FA. T-50 là chiến đấu cơ có khả năng cơ động siêu phàm, khó bị radar phát hiện, có thể chiến đấu hiệu quả ở bất cứ khoảng cách nào, tấn công cả mục tiêu trên không lẫn trên bộ. T-50 có 5 đặc tính nổi bật nhất. Tính năng tàng hình Một trong những ưu thế đáng kể nhất của tiêm kích thế hệ thứ 5 Su T-50 là khả năng tàng hình. Theo các nguồn tin rò rỉ, 70% vỏ của máy bay được làm bằng chật liệu composite, có thể giảm khả năng bị radar kẻ thù phát hiện. Diện tích tán xạ hiệu quả của thân máy bay T-50 được thể hiện ở diện tích radar phản xạ, đây là tham số quan trọng nhất, chỉ 0,5m2. Điều này có nghĩa là nếu nhìn vào radar thì T-50 giống như một quả bóng kích thước nhỏ. Ngoài ra hình dạng của thân máy bay và cánh máy bay không chỉ có thể làm cho T-50 thực hiện bay góc AOA, mà còn có thể bảo đảm yêu cầu của tính năng siêu cơ động của máy bay. Động cơ kiểm soát véc tơ lực đẩy đa chiều Theo các quan chức Nga, tiêm kích tàng hình Su T-50 sẽ có khả năng cơ động cực cao, tuyệt vời. Để có được khả năng này, Su T-50 được trang bị động cơ phản lực 117S có kiểm soát véc tơ lực đẩy với vòn phun có thể xoay đổi hướng đa chiều. Để vượt qua tên lửa tầm nhiệt của đối phương, động cơ của T-50 có thể chuyển từ vòi phun tròn sang vòi phun dẹp, mặc dù khiến hiệu quả thấp do lực đẩy giảm khoảng 5 – 7% nhưng đổi lại che giấu hiệu quả tín hiệu hồng ngoại. Động cơ 117S cho phép máy bay tăng tốc tới tốc độ siêu âm không cần đốt nhiên liệu lần 2 và sử dụng hệ thống kiểm soát kỹ thuật số. Tuy nhiên đây chỉ là động cơ kiểu quá độ của giai đoạn đầu, đến năm 2020 động cơ mới sẽ thay đổi lực đẩy tăng thêm từ 25 – 30%. Hệ thống chiến tranh điện tử bậc nhất Su T-50 sở hữu hệ thống chiến tranh điện tử bậc nhất thế giới được định danh là Himalaya, không chỉ giúp tăng cường bảo vệ máy bay trước các biện pháp gây nhiễu, tăng khả năng sống sót mà còn làm tăng khả năng tàng hình của máy bay và làm giảm hiệu quả tàng hình của đối phương. “Hệ thống chiến tranh điện tử Himalaya không chỉ giúp T-50 tàng hình trước radar đối phương, mà còn có thể phát hiện máy bay tàng hình đối phương. Linh kiện của hệ thống được phân bổ trên toàn bộ bề mặt máy bay”, Tổng giám đốc tập đoàn “Radio-elektronnye Technology”, ông Nikolai Kolesov cho biết. Cũng theo ông Nikolai Kolesov, công ty không chế tạo các khối riêng rẽ mà các phần của máy bay đều được gắn thiết bị điện tử. Tiêm kích tàng hình thông minh Theo các chuyên gia quân sự, Su T-50 là máy bay rất thông minh nhờ có 2 máy tính có nhiều vi xử lý được kết nối với giao diện sợi quang học, băng thông 1G/giây. Hệ thống trinh sát điện tử có thể thu được tín hiệu qua radio, radar, cảm biến quang học và cảm biến khác để hình thành bức tranh tổng thể những gì diễn ra trên không, trên mặt đất. Su T-50 có thể tác chiến độc lập, cũng có thể tác chiến liên hợp trong khái niệm “chiến trường thống nhất”. Trong chiến trường này, mỗi máy bay đều là tai mắt và lực lượng tấn công của toàn bộ lực lượng tác chiến trên không. Su T-50 có thể truyền dữ liệu mục tiêu cho máy bay khác và hệ thống phòng không mặt đất, cũng có thể tiếp nhận dữ liệu hiển thị mục tiêu từ máy bay khác và hệ thống phòng không mặt đất. Hệ thóng điều khiển vũ khí trên máy bay đủ khả năng theo dõi 60 mục tiêu, đồng thời tấn công 16 mục tiêu trong đó. Tiêm kích tàng hình T-50 sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS kết hợp GLONASS. Nó có thể đồng thời sử dụng 2 loại hệ thống dẫn đường vệ tinh tiêu chuẩn, cũng có thể không sử dụng dẫn đường vệ tinh, mà chỉ sử dụng dẫn đường quán tính, giống như tên lửa đạn đạo. T-50 sử dụng hệ thống la bàn và đồng hồ tốc độ để đo tốc độ góc bay của máy bay, ngoài ra T-50 còn sử dụng thiết bị điện tử tính toán phương vị hiện tại. Hệ thống kiểm soát bay hoàn toàn mới có thể đảm nhận nhiệm vụ lái, để phi công của T-50 tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Phi công sử dụng 3 thiết bị hiển thị đa năng để nhận thông tin ảnh, ngoài ra còn có thiết bị hiển thị trên kính chắn, mũ bảo hiểm có chỉ dẫn mục tiêu và thiết bị thông tin bằng âm thanh. Bộ vũ khí khủng khiếp Với việc trang bị tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm gần, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su T-50 có thể thực hiện tác chiến trên không ở bất kỳ khoảng cách nào. Tên lửa tầm xa R-37 đã đạt kỷ lục thế giới, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 304km. Còn tên lửa tầm trung RVV-SD được NATO gọi là rắn lục, đầu đạn của nó sử dụng các thanh kim loại với chất tích tụ thu nhỏ. Các thanh kim loại được nối với nhau để khi nổ tạo nên vòng cung mở rộng, cắt đứt mục tiêu. Tên lửa tầm ngắn RVV-MD còn có thể dùng để chống tên lửa. Ngoài ra, Su T-50 có thể thực hiện tấn công hiệu quả các mục tiêu trên bộ bằng tên lửa Kh-29, Kh-31P (diệt radar), trên biển bằng tên lửa Kh-31A, Kh-35. Đào Cảnh |
Theo Infonet