Theo nhu cầu thị trường, rượu ngày càng được sản xuất nhiều, và còn ra đời loại rượu sản xuất công nghiệp mang rất nhiều tạp chất. Tuy nhiên thay vì tập trung mở rộng kinh doanh, hãng rượu Sudohonke truyền thống vẫn giữ quan điểm coi trọng chất lượng thay vì lợi nhuận.
Trong suốt hơn 900 năm, nhà sản xuất rượu gạo Sudohonke vẫn tồn tại qua các cuộc chiến tranh, nạn đói, động đất, bão lũ và nhiều thảm họa khác. Tuy nhiên, khủng hoảng hạt nhân đầu năm 2011 xảy ra tại nhà máy Fukushima có lẽ là biến cố lớn nhất khiến Sudohonke thật sự sợ hãi.
“Nguồn nước chính là yếu tố quan trọng nhất đối với sản phẩm của chúng tôi”, Genuemon Sudo – Chủ tịch Sudohonke nói với tờ Japan Times trong một bài phỏng vấn vào năm 2012. “Chúng tôi gần như phải đóng cửa nếu nguồn nước sản xuất rượu bị nhiễm phóng xạ”. Sudo là người chủ sở hữu thứ 55 của công ty.
Nguồn gốc của nhà máy rượu này hiện không còn chính xác nhưng văn bản được lưu trữ ở công ty cho thấy nó được mở vào năm 1141 tại chính địa điểm hiện tại ở Kasama, Ibaraki Prefecture.
Ông Sudo ban đầu không tự tin có thể đảm đương vị trí Chủ tịch Sudohonke thành công như cha mình. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi khi ông vào trung học. Do nhận thấy việc rượu whiskey ngày càng trở nên phổ biến trong các nhà hàng Nhật Bản, ông thấy mình có trách nhiệm phải cung cấp rượu gạo của gia đình cho những người chưa được thưởng thức.
Thêm nữa trong một chuyến thăm quan nhà hàng Nhật Bản ở Mỹ vào những năm 1980, ông hoàn toàn bị “sốc” vì chất lượng tồi của rượu gạo được phục vụ khách hàng.
Ông chia sẻ: “Tôi muốn quay trở về những thứ cơ bản, tạo ra một loại rượu ngon, sử dụng những nguồn nguyên liệu có sẵn tốt nhất. Tôi muốn chứng minh rượu gạo tốt nhất thật sự sẽ phù hợp với mọi loại thức ăn”.
Cho đến giờ, thay vì tập trung mở rộng mảng kinh doanh, hiện công ty vẫn giữ quan điểm này và đi tiên phong về chất lượng thay vì lợi nhuận.
Trong suốt mùa nấu rượu bắt đầu từ tháng 11 cho tới cuối tháng 4, Sudohonke đã sản xuất ra 180 nghìn lít mỗi năm và chỉ sử dụng nguồn nước ở địa phương cùng loại gạo hảo hạng nhất.
Tuy nhiên, mặc cho sức tàn phá của trận động đất, sóng thần diễn ra vào ngày 11/3/2011, nhà máy Sudohonke chỉ phải trải qua một vài vấn đề nhỏ bao gồm việc một vài bình ủ rượu bị hư hại.
Chính những kinh nghiệm khôn ngoan truyền lại từ thế hệ trước đó về cách chống chọi với các thảm họa thiên nhiên đã đóng vai trò quan trọng trong việc tối thiểu hóa thiệt hại gây ra vào ngày 11/3/2011.
Gia tộc sở hữu Sudohunke qua nhiều đời không bao giờ chặt bất kỳ loại cây nào trong khuôn viên đất của họ. Một bí quyết truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia tộc Sudo nữa là tránh chuyển tới gần bờ biển hay vùng núi.
Bờ biển Ibaraki vốn đã chịu thiệt hại không nhỏ tự trận sóng thần. Hơn nữa, việc bụi phóng xạ từ nhà máy Fukushima 1 cách Sudohonke 130km gây ra rắc rối không hề nhỏ.
Tuy nhiên, hãng này vẫn khẳng định việc đảm bảo an toàn nguồn nước là ưu tiên hàng đầu. Ngoài những biện pháp phòng tránh, Sudohonke vẫn mang mẫu nước đến trung tâm nghiên cứu cứ 2 tháng một lần để đảm bảo không có gì bất thường.
“Nếu mất nguồn nước, không có cách nào để chúng tôi có thể duy trì hoạt động kinh doanh”, Sudo nói. Dẫu vậy, doanh số bán hàng đã giảm mạnh vào tháng 3/2011.
Sudohonke mất hết khách hàng nước ngoài – chiếm 20% doanh số bán hàng hàng năm. Tình huống này thậm chí không được cải thiện tận sau 17 tháng kể từ khi xảy ra thảm họa.
“Một khi các nhà hàng đưa loại rượu của chúng tôi ra khỏi thực đơn, rất khó để làm ăn lại được với họ. Công ty chúng tôi bắt đầu xuất khẩu rượu vào năm 1995 nhưng giờ thì phải bắt đầu lại từ đầu”. Sudo giải thích rằng không có con đường tắt nào để phục hồi doanh số bán hàng của công ty.
Kinh doanh giống như quy trình sản xuất rượu gạo – chỉ có thể thành công nếu bạn bỏ thời gian và công sức làm mọi thứ một cách tỉ mỉ kỹ càng ngay từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Nếu Sudo phải để lại lời nhắn gửi cho thế hệ tương lai liên quan tới trận động đất khủng khiếp năm 2011, nó đơn giản chỉ là:
“Đừng bao giờ nghĩ rằng con người có thể kiểm soát được thiên nhiên. Đừng chặt phá rừng – giống như các bậc tiền bối đã nói”, ông nói và nói thêm rằng: “bảo vệ môi trường cũng là yếu tốt then chốt để tạo nên một hãng rượu gạo thành công“.
“Tập trung vào bảo vệ thiên nhiên là yếu tố quan trọng để làm nên loại rượu ngon hảo hạng và tôi cho đó là vấn đề lớn nhất. Yếu tố quan trọng không phải là tạo ra một thương hiệu phổ biến hay bán nhiều sản phẩm”.
Hiện tại ông Sudo nói rằng đang trao lại công việc kinh doanh của gia đình cho 3 người con để giành thời gian nhiều hơn cho bản thân.
“Có 4 chiếc hộp lớn mà chúng tôi luôn giữ ở công ty trong nhiều năm nay trong đó chứa các công thức, giấy tờ kế toán từ trước đó, thậm chí là thời kỳ Edo. Thật tuyệt vời nếu tôi có thể dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi từ những câu chuyện kinh doanh của chính gia đình”.
Theo cafebiz