Theo The Epoch Times, mới đây, tổ chức Nghiên cứu Thông tin Thị trường (Market Information Research Foundation) có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) cho biết, họ đã thay mặt 64.000 phụ huynh ở Hà Lan kiện Tik Tok, yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,4 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD).
Tổ chức Nghiên cứu Thông tin Thị trường cho biết, TikTok đã không xin phép đúng quyền truy cập dữ liệu và thu thập nhiều thông tin cần thiết hơn so với nhu cầu từ người dùng là trẻ em, thêm vào đó nền tảng này có quá ít chính sách để bảo vệ trẻ em.
Một trong những người sáng lập tổ chức Nghiên cứu Thông tin Thị trường, ông Cor Wijtvliet cho biết, tổ chức cùng các cơ quan liên quan của EU đã khiếu nại đến TikTok, nhưng không thu lại được kết quả gì.
Liên quan đến vụ việc này, một nhân viên của TikTok khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Hà Lan rằng, TikTok luôn ưu tiên và coi bảo mật dữ liệu cá nhân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công ty.
TikTok cũng đã cung cấp quyền truy cập vào tài khoản của con cái dưới 16 tuổi cho phụ huynh họ để họ có thể kiểm soát tài khoản con mình.
TikTok cũng cho biết, họ không cho phép chia sẻ những nội dung khuyến khích người dùng thực hiện các thử thách nguy hiểm trên nền tảng.
Dù giải thích như trên nhưng thực tế vì là một trang mạng xã hội mở nên TikTok có một số trò chơi nguy hiểm phổ biến thu hút rất nhiều người trẻ tuổi bắt chước, dẫn đến việc xảy ra các vụ tai nạn thương vong.
Ví dụ, trên TikTok từng phổ biến một trò chơi có tên “Thử thách đập vỡ hộp sọ” (Skull Breaker Challenge), đã khiến nhiều thanh thiếu niên thương vong. Đặc biệt có một cô gái 16 tuổi ở Brazil cũng đã chết vì khi tham gia thử thách này.
Ngày 13/5, một bé gái 13 tuổi ở Portland, bang Oregon, Mỹ cũng bị bỏng nặng và suýt mất mạng khi tham gia “Thử thách ngọn lửa” (Fire Challenge) trên TikTok.
Yên Yên (t/h)