Tinh Hoa

Tiểu hành tinh lớn nhất năm đang lao về phía Trái Đất

Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cảnh báo một tiểu hành tinh nằm trong nhóm “có khả năng gây nguy hiểm” sẽ bay sượt qua Trái Đất vào khoảng ngày 4/2 sắp tới.

Minh họa tiểu hành tinh 2002 AJ129 sắp bay sượt qua Trái Đất. (Ảnh: Oliver Denker).

Theo hãng tin RT, tiểu hành tinh 2002 AJ129 dài 1,2 km nằm trong nhóm “có khả năng gây nguy hiểm” theo phân loại của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bay qua hành tinh của chúng ta ở tốc độ 122.310 km/giờ.

Tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 1,1km, dài hơn nhiều so với tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai, có chiều cao hơn 0,8km. Theo dự kiến, 2002 AJ129 sẽ đến gần Trái Đất nhất vào ngày 4/2 ở khoảng cách tương đối gần 4.208.641km.

Để so sánh, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng là 384.400km. NASA xếp những tiểu hành tinh vào nhóm “nguy hiểm” nếu chúng tiếp cận Trái Đất trong vòng 7.403.000km.

Đây là thiên thể lớn nhất lao qua hành tinh của chúng ta trong năm 2018. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra nếu một thiên thạch lớn cỡ này đâm vào Trái Đất, hậu quả là sẽ gây ra thời kỳ tiểu băng hà.

Tác động từ vụ va chạm sẽ khiến nhiệt độ trung bình trên khắp thế giới giảm xuống nhiều nhất là 8 độ C, theo một nghiên cứu năm 2016 về những ảnh hưởng của vụ va chạm với tiểu hành tinh đường kính 1km.

Các nhà khoa học cảnh báo tác động nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ kéo dài vài năm, biến hành tinh thành nơi tối, lạnh và khô hơn, Charles Bardeen, nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia, cho biết trong một buổi thuyết trình trước Liên đoàn Địa vật lý Mỹ năm 2016.

Trong trường hợp xấu nhất, muội than sẽ tồn tại trong khí quyển suốt 10 năm, trong khi lớp bụi mất 6 năm để lắng xuống mặt đất.

Tuy nhiên, NASA cho rằng 2002 AJ129 không có khả năng đâm vào Trái Đất. Hiện nay, cơ quan này không thể làm chệch hướng tiểu hành tinh đâm về phía Trái Đất nhưng có thể giảm bớt tác động và tiến hành những biện pháp bảo vệ sinh mạng và tài sản, bao gồm sơ tán khu vực chịu tác động và di dời cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Theo VNE