Lập Đông là tiết khí đầu tiên trong mùa Đông, là tiết khí vô cùng quan trọng, và cũng là thời kỳ tốt nhất để mọi người bồi bổ. Tuy nhiên, thời tiết vài năm gần đây khá bất thường, do đó các bác sĩ Đông y khuyên mọi người khi bồi bổ cần điều chỉnh thích hợp với khí hậu.
Lập Đông là tiết thứ 19 trong 24 tiết khí, có nghĩa là bắt đầu mùa Đông, thường bắt đầu vào ngày 7 hay 8 tháng 11 khi kết thúc tiết sương giáng, và chấm dứt vào khoảng ngày 22 hay 23 tháng 11 khi tiết tiểu tuyết bắt đầu. Tiết lập Đông năm 2017 bắt đầu vào ngày 7 tháng 11.
Đến tiết lập Đông chú ý “dưỡng tàng”
Lý giải về “lập Đông”, mọi người không thể chỉ dừng lại ở ý nghĩa bắt đầu mùa Đông, mà phải tìm hiểu nguồn gốc. Cách lý giải chữ “lập” của người xưa cũng giống chúng ta hiện nay, có nghĩa là dựng nên, bắt đầu. Nhưng chữ “Đông” lại không đơn giản như vậy, trong cuốn sách cổ “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải ” có phần giải thích chữ “Đông” như sau: “Đông, chung dã, vạn vật thu tàng dã“. Tức là suốt mùa Đông, vạn vật thu mình ẩn náu. Vì vậy lập Đông không chỉ đại biểu cho mùa Đông đã đến, mà còn có nghĩa là thời kỳ vạn vật thu mình ẩn náu, lẩn tránh rét lạnh.
Bác sĩ Đông y nổi tiếng Đài Loan Hồ Ái Văn cho biết, người xưa tính thời điểm bắt đầu bốn mùa là bốn lập, gồm lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông. Vào lập Đông, vạn vật đều che lấp ẩn náu, vào lúc này mọi người nên “dưỡng tàng”.
Bác sĩ Hồ dẫn cuốn “Hoàng đế nội kinh” nói, vào mùa Đông, mọi người nên ngủ sớm dậy muộn, thời gian sinh hoạt theo Mặt Trời, khiến thận cất giấu “chí”, có chỗ thu mình ẩn nấp, tâm chí bản thân không nên nói rõ ra, lộ ra, nên tránh lạnh, giữ ấm, tránh để làn da thường xuyên tiếp xúc gió lạnh, nếu không thì khí sẽ bị cạn kiệt, đây chính là “đạo dưỡng tàng”, nếu làm trái ngược sẽ gây tổn thương thận, đến mùa Xuân năm sau sẽ xuất hiện tật cơ bắp héo rút, đau nhức xương.
Người xưa có câu: “Mặt Trời mọc làm việc, Mặt Trời lặn dừng lại“, ý là để cho cơ thể thuận theo tự nhiên. Lập Đông nên ngủ sớm dậy trễ, Mặt Trời mọc mới làm việc, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, có lích cho dương khí ẩn núp, âm tinh tồn trữ. Nhưng nếu mặc quần áo quá ít, quá mỏng, nhiệt độ phòng quá thấp thì sẽ làm hao tổn dương khí. Trái lại, nếu mặc quần áo quá nhiều qua dày, nhiệt độ phòng quá cao thì lỗ chân lông nở to khiến dương khí không ẩn núp được, hàn tà cũng dễ xâm nhập cơ thể.
Đông y cho rằng: “Hàn là âm tà, thường tổn thương dương khí“. Dương khí trong cơ thể con người giống như Mặt Trời trên cao, ban cho thiên nhiên ánh sáng và sự ấm áp, nếu không có nó thì vạn vật không thể nào sinh tồn. Tương tự, thân thể con người nếu không có dương khí thì sẽ mất đi sức sống thay cũ đổi mới. Cho nên, việc điều dưỡng trong cuộc sống thường ngày sau tiết lập Đông phải chú ý “dưỡng tàng”.
Dưỡng sinh thuận theo tự nhiên, tùy thời thay đổi
Người xưa xem trọng “Thiên Nhân hợp nhất”, nhấn mạnh sự hài hòa giữa người và tự nhiên. Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên“, tạm dịch là “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên“. Cơ thể con người là tiểu vũ trụ, còn thiên nhiên là đại vũ trụ, tiểu vũ trụ ở trong đại vũ trụ, thời thời khắc khắc đều sẽ chịu ảnh hưởng của đại vũ trụ. Bốn mùa khác nhau, tiết khí khác nhau, sẽ đối ứng với chứng bệnh khác nhau, vì vậy từ xưa khí hậu và y học chính là cùng nguồn gốc.
Con người phân chia bốn mùa theo khí Thiên Địa thì dưỡng sinh cũng phải thuận theo tự nhiên, tùy thời thay đổi. Thân thể của chúng ta tương thông với tự nhiên, thích ứng với thủy, thổ, tự nhiên, thực vật, khí hậu của địa phương mình sinh sống. Vì vậy những ai muốn dưỡng sinh, sống khỏe mạnh thì nên ăn thực phẩm theo mùa của địa phương, sống hài hòa với thiên nhiên, bản thân sẽ hình thành một tiểu hoàn cảnh sinh thái nguyên sơ. Kể từ đó, bất luận môi trường bên ngoài biển đổi thế nào thì tiểu hoàn cảnh khỏe mạnh trong cơ thể vẫn có thể duy trì khá ổn định.
Tiết lập Đông đến là cỏ cây tàn lụi, những loài sâu bọ ngủ đông ẩn nấp, hoạt động của vạn vật có xu hướng dừng lại, dùng trạng thái ngủ đông để nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị đón mùa Xuân tràn trề sức sống. Mặc dù nhân loại không ngủ đông, nhưng dân gian có tập tục bổ Đông vào lập Đông. Đây là thời kì tốt nhất để bồi bổ cơ thể, tiến hành thực bổ (bồi bổ bằng thực phẩm) để bổ sung nguyên khí chống lại giá lạnh mùa Đông. Vậy nên mới có câu “mùa Đông bồi bổ, mùa Xuân giết hổ”.
Bác sĩ Hồ nhắc nhở, tiết khí không đúng thời tiết sẽ dễ dàng nảy sinh bệnh hoạn, lúc này nếu mọi người vẫn bồi bổ theo tiết lập Đông thì có thể không những không có lợi mà còn gây hại. Do đó nếu nhiệt độ quá cao thì tốt nhất là bồi bổ bằng các món mát, mà nhiệt độ quá thấp thì nên bồi bổ bằng các món nóng.
Tú Văn, theo Da Ji Yuan