Gen di truyền có tác động đến tuổi thọ của bạn, song vẫn còn đó nhiều điều chưa được bật mí về sự trường thọ. Hy vọng những trích dẫn của các cụ cao niên dưới đây sẽ giúp bạn cảm ngộ thêm điều gì khiến họ sống lâu và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày.
Bạn cứ tiếp tục làm những gì bạn yêu thích. Chỉ vậy thôi. Không có gì phức tạp. Bất cứ ai có đam mê mãnh liệt và sống hết mình vì nó, tôi nghĩ điều đó sẽ giúp họ sống khỏe, hạnh phúc và luôn nhiệt huyết. Chính điều đó đã giúp tôi sống hết mình.
— Randolph Hokanson, giáo sư kiêm nghệ sĩ dương cầm người Mỹ, 103 tuổi
Tôi không có thời gian rảnh bởi tôi luôn hoạt động không ngừng. Tôi nghĩ điều này buộc bạn phải thật khỏe mạnh. Sống đến 90 tuổi mà tôi vẫn có thể làm việc được — đó là điều tôi không dám mơ đến. Tôi là bà già may mắn nhất thế giới khi vẫn còn tận dụng được đôi chân mình.
— Betty White, diễn viên người Mỹ 96 tuổi
Bác sĩ tim mạch của tôi nói: ‘Cụ Frank à, cháu muốn có được những gì cụ đang có’. Tôi đáp: “Nếu mà biết điều đó là cái gì thì chắc tôi đã được cấp bằng sáng chế lâu rồi!”. Bởi vì có gì đâu ngoài bệnh tật – tôi đã bị cắt túi mật, bị làm phẫu thuật hở van tim, đau tim, đột quỵ, suy tim sung huyết, và bây giờ còn phải sử dụng máy khử rung tim.
Tôi vẫn đang làm cái quái gì ở đây vậy? Tôi không biết nó là gì. Tôi không biết phải giải thích như thế nào. Chỉ là không có bất kỳ căng thẳng nào trong đời khiến tôi cảm thấy bực dọc. Tôi sống cuộc sống quá đỗi yên bình. Lần duy nhất tôi thực sự nổi xung lên là khi đang lái xe. Khi ấy ý thức của mấy người xung quanh rất tệ.
— Frank Handlen, họa sĩ người Mỹ, 101 tuổi
Tôi nghĩ có một từ có thể áp dụng trong chuyện này, đó chính là ‘thái độ’. Bạn phải sống thật năng động và tích cực, ngay cả khi mọi chuyện không diễn ra theo cách mà bạn muốn. Tôi nghĩ rằng nếu bạn cứ mặc kệ bản thân buồn rầu và nuối tiếc, thì sẽ lãng phí rất nhiều năm tháng trong cuộc đời bạn.
— Norman Lloyd, diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất phim người Mỹ, 103 tuổi
Tôi đã rất may mắn tìm được cho mình một người bạn đời vào 63 năm trước, và tôi tin rằng cuộc hôn nhân mật ngọt của chúng tôi kèm thêm những buổi trò chuyện quý giá hàng đêm đã giúp tôi sống lâu hơn.
— Kirk Douglas, diễn viên, nhà sản xuất, đạo diễn và nhà văn người Mỹ, 101 tuổi
Chìa khóa dẫn đến cuộc sống hạnh phúc có lẽ là sống đủ lâu để nhìn lại những điều xảy ra, vì những lo toan luôn cản trở tôi thực hiện những dự định và ước mơ của mình.
— Henry Morgenthau III, tác giả và nhà sản xuất các chương trình truyền hình người Mỹ, hưởng thọ 100 tuổi và qua đời ngày 10/07/2018
Toàn bộ bí quyết trong cuộc sống của tôi chính là sự điều độ – mỗi thứ chỉ cần một ít là đủ.
— Jessie Lichauco, nhà từ thiện người Cuba, 106 tuổi
Câu thần chú của tôi mỗi sáng sớm thức dậy chính là ‘Đây sẽ là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình’. Làm như vậy khiến tôi có thể đối mặt với tất cả mọi điều. Chân lý của tôi dành cho cuộc sống này là: “Không có gì mà bạn không thể làm được”.
— Tao Porchon-Lynch, bậc thầy yoga và nhà sáng tác người Mỹ, 100 tuổi
Hàng ngày tôi thức dậy cảm thấy vô cùng biết ơn cuộc đời… Tôi vẫn còn sống lành lặn, mắt vẫn sáng, tai vẫn còn nghe rõ được xung quanh. Đó cũng là một lý do khiến người ta nghĩ đến là đã thấy hạnh phúc rồi.
Còn về bệnh tật, nó là một phần của cuộc sống. Bạn sẽ phải trả giá cho cuộc sống của mình, và thiết nghĩ, những gì bạn phải trả giá trên đường đời để biết được bản thân mình may mắn đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào việc cuộc đời bạn dài hay ngắn.
— Herman Wouk, nhà văn Mỹ đoạt giải thưởng Pulitzer American, sống thọ 103 tuổi
Thành thật mà nói tôi không có bí quyết gì hết. Tôi chỉ đơn giản là ưa chạy bộ và đi bộ. Tôi đã tập yoga để luyện tập hít thở từ khá lâu trước khi yoga trở nên thịnh hành như bây giờ. Tôi rất thích thức dậy lúc 5:30 mỗi sáng và chạy bộ đến chợ Original Farmer để thưởng thức một tách cà phê tại quán Charlie’s Coffee rồi sau đó chạy về nhà.
— Patricia Morison, diễn viên, ca sĩ người Mỹ 101 tuổi
Sống thọ là điều tuyệt vời. Trước khi bước sang tuổi 60, họ có thể nổ lực làm việc vì gia đình và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên khi về già, chúng ta nên cố gắng đóng góp chút gì cho xã hội. Tôi đã trở thành tình nguyện viên khi bước sang tuổi 65. Tôi vẫn làm việc 18 giờ mỗi ngày và bảy ngày một tuần, và tôi mến yêu từng phút giây trôi qua đó.
— Giáo sư Shigeaki Hinohara, bác sĩ, giáo viên và tác giả người Nhật, thọ 105 tuổi và qua đời ngày 18/07/2017.
Bảo San, theo Epoch Times