AP đưa tin hôm 22/10, người dân tại Venezuela đã bắt đầu trả phí xăng dầu bằng các mặt hàng nhu yếu phẩm như: thuốc lá, dầu ăn, gạo, kẹo.. vì đồng tiền bolivar của nước này hầu như không có giá trị.
Nhiều nhân viên trạm xăng tại Venezuela đã yêu cầu người mua trả bằng thuốc lá, gạo hoặc dầu ăn… thay vì lấy tiền. Hình thức “hàng đổi hàng” này tại các trạm xăng đã diễn ra trong bối cảnh tình trạng siêu lạm phát làm cho giá trị tiền giấy của Venezuela tụt dốc không phanh, nhiều người dân ở đây thậm chí còn không muốn nhận tiền mặt nữa.
“Bạn có thể trả bằng một điếu thuốc. Bây giờ ai cũng biết rằng nó (đồng tiền bolivar) chẳng có giá trị gì cả,” ông Orlando Molina, tài xế ở thủ đô Caracas nói với AP hôm 22/10.
Giá xăng dầu đã xuống thấp đến độ các nhân viên bán xăng ở đây thậm chí còn chẳng biết giá để niêm yết. Nhiều tài xế sau khi đổ xăng nhưng không có tiền hoặc nhu yếu phẩm để trả còn được vẫy tay cho qua.
Việc đổi hàng hóa lấy xăng dầu có lẽ sẽ khiến nhiều nước khác ghen tị, nhưng đó lại là một trong những biến chứng của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hết sức trầm trọng ở Venezuela.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, lạm phát ở Venezuela có thể chạm mốc 200.000% vào năm 2020. Chính phủ nước này đã giảm 5 con số 0 trên tờ tiền của mình vào năm ngoái như một nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, do bùng nổ nạn lạm phát làm cho vật giá hóa tăng vọt, nên mệnh giá của tờ tiền Venezuela trở nên gần như vô giá trị.
Bà María Pérez, cư dân thủ đô Caracas nói với tờ AP rằng, người dân sẵn lòng trả tiền xăng nhiều hơn nếu chính phủ sử dụng khoản tiền trợ cấp xăng dầu vào đầu tư nâng cấp đường bộ. “Đường xá của chúng tôi là không thể chịu nổi. Có nhiều ổ gà trên đường, không chỉ làm xe ôtô bị hỏng mà còn gây ra rủi ro cho chính mạng sống của chúng tôi,” bà María giải thích.
Ngoài tình trạng siêu lạm phát, Quốc gia Nam Mỹ với gần 30 triệu dân này đang bị bóp nghẹt bởi sự khủng hoảng chính trị nghiêm trọng: 4 triệu người Venezuela đã phải rời khỏi đất nước, người dân trong nước phải sống với cảm giác bất an vì những cuộc biểu tình, bạo lực, cướp bóc trên phố cộng với việc liên tục bị mất điện diện rộng, khiến cuộc sống của họ trở nên rất hỗn loạn.
Trong bối cảnh nền kinh tế đổ vỡ, chính phủ của ông Maduro vẫn chưa có giải pháp gì để cải thiện lại điều kiện sống của người dân cũng như tình hình trị an của đất nước.
Thiện Thành (t/h)