Ngày 6/6, Không quân Nga điều động một tiêm kích Su-27 tiếp cận oanh tạc cơ chiến lược B-52 Mỹ và hộ tống nó tới khi rời khỏi khu vực sát biên giới Nga.
“Tiêm kích Su-27 tiếp cận ở khoảng cách an toàn, nhận dạng máy bay là oanh tạc cơ chiến lược B-52 Mỹ và hộ tống nó tới khi rời khỏi khu vực sát biên giới Nga”, Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, thượng tá Michelle L. Baldanza, người phát Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết: “Chiếc máy bay B-52 Stratofortress đang bay theo lộ trình hỗ trợ các hoạt động tập trận được lên kế hoạch trên vùng biển quốc tế ở biển Baltic thì bị máy bay Su-27 của Nga chặn”. Ông cho biết thêm rằng có nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra và phần lớn được tiến hành một cách an toàn.
Mikhail Ulyanov, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, sự xuất hiện của máy bay Mỹ ở châu Âu sẽ không giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Gần đây, Mỹ đã chuyển nhiều máy bay B-52 từ căn cứ trong nước đến Anh để tập trận.
Chiếc Su-27 thuộc biên chế lực lượng phòng không Hạm đội biển Baltic, đóng quân tại vùng lãnh thổ Kaliningrad. Quân đội Mỹ cho hay máy bay B-52 hoạt động trong không phận quốc tế, đồng thời từ chối bình luận về hành động của tiêm kích Nga.
Nga khẳng định Mỹ đã điều một số oanh tạc cơ B-52 tới Anh để tham gia diễn tập. Quân đội Mỹ đang tham gia nhiều hoạt động quân sự ở vùng Baltic và Ba Lan, một phần trong loạt cuộc diễn tập Saber Strike. Washington cũng góp phần quan trọng trong cuộc diễn tập hải quân thường niên mang tên BALTOPS, kéo dài tới ngày 16/6 trên biển Baltic.
Cựu tư lệnh không quân Nga Pyotr Deinekin cho rằng việc này đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Máy bay B-52 được thiết kế để tấn công những mục tiêu quan trọng nhất ở Nga nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân. Ông nói: “Oanh tạc cơ chiến lược không nên bay quá gần biên giới trên bộ của Nga như vậy”.
Trước đó, tiêm kích hạng nặng MiG-31 Nga cũng chặn máy bay tuần tra Na Uy trên vùng biển Barents. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đó là phi cơ săn ngầm P-3 Orion. Moscow cho biết chiếc máy bay này đã áp sát biên giới, đồng thời tắt bộ thiết bị định vị. Quân đội Na Uy xác nhận vụ việc, nhưng khẳng định đó là hoạt động “bình thường”.
TinhHoa tổng hợp