Thụy Sĩ hôm 5/6 đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để quyết định việc chu cấp vô điều kiện cho công dân trong suốt cuộc đời, dù họ có đi làm hay không.
Lá phiếu không nêu cụ thể con số trợ cấp nhưng những người đề xuất đưa ra con số tối thiểu khoảng 2.500 USD/tháng cho người trưởng thành và khoảng 625 USD cho trẻ em, theo BBC.
Cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức sau khi những người vận động thu thập được hơn 100.000 chữ ký ủng hộ. Nhưng đến nay, người ta vẫn đang tranh cãi về việc đây là ý tưởng mang tính cách mạng hay điên rồ.
Theo nhóm ủng hộ, một khoản thu nhập chắc chắn sẽ giúp người dân theo đuổi cuộc sống sáng tạo mà không phải lo về những nhu cầu cơ bản, thúc đẩy các hoạt động tình nguyện cũng như xoa dịu các bất ổn xã hội do sự thay đổi công nghệ khiến con người ngày càng khó cạnh tranh việc làm với máy móc.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng ý tưởng này sẽ vô cùng tốn kém và tạo ra làn sóng nhập cư vào Thụy Sĩ. Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset cảnh báo chính quyền sẽ phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu vì chi hơn 200 tỉ USD mỗi năm để “trả lương” cho người dân.
Ngoài ra, việc không làm mà vẫn được hưởng có thể gây ra ảnh hưởng xấu về đạo đức cho xã hội.
Nhưng bất chấp các chiến dịch vận động, ý tưởng táo bạo đầu tiên trên thế giới này khó có thể đạt được sự ủng hộ đa số. Các cuộc thăm dò ý kiến trước đó cũng cho thấy tỉ lệ ủng hộ đề xuất này rất thấp và cũng không có đảng phái chính trị nào lên tiếng ủng hộ.
Tuy nhiên, những người vận động không kỳ vọng chiến thắng nhưng khẳng định việc trợ cấp này chỉ là vấn đề thời gian khi nó trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Một số nước như Brazil, Phần Lan, Ý hay Hà Lan cũng đang chuẩn bị thử nghiệm việc phát lương cho người dân.
Theo BBC, Phần Lan đang cân nhắc kế hoạch trợ cấp thu nhập cơ bản cho khoảng 8.000 người có thu nhập thấp, trong khi thành phố Utrecht của Hà Lan dự kiến triển khai kế hoạch tương tự vào năm 2017.
Theo Tuổi Trẻ