Tinh Hoa

Thụy Điển rút phái đoàn ngoại giao khỏi Triều Tiên vì viêm phổi Vũ Hán

Thụy Điển tạm thời rút phái đoàn ngoại giao của nước này khỏi Triều Tiên vì lý do hậu cần liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, hãng tin Reuters cho hay.

Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết đại sứ và các nhân viên ngoại giao khác của nước này tại Bình Nhưỡng “tạm thời được điều chuyển công tác hoặc được nghỉ phép”. Do đó, các nhà ngoại giao này đã rời khỏi Triều Tiên.

Dù vậy, Stockholm cho biết, việc rút phái đoàn ngoại giao là tạm thời. Đồng thời, Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng vẫn sẽ mở cửa, nhưng chỉ còn nhân viên là người Triều Tiên làm việc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển Sara Brynedal giải thích rằng, “hoàn cảnh của các nhân viên ngoại giao và các tổ chức quốc tế (tại Triều Tiên) đang liên tục xấu đi trong thời gian gần đây do đại dịch COVID-19”, theo hãng thông tấn Thụy Điển TT.

Khi được hỏi liệu động thái này có liên quan tới bất đồng nào giữa Stockholm và Bình Nhưỡng hay không, bà Brynedal cho biết Thụy Điển vẫn duy trì “việc đối thoại hiệu quả và liên tục” với Triều Tiên. Bà Brynedal cũng khẳng định các nhân viên ngoại giao Thụy Điển sẽ trở lại Triều Tiên ngay khi có thể.

Bên cạnh trách nhiệm về quan hệ song phương Stockholm-Bình Nhưỡng, Đại sứ quán Thụy Điện còn là phái đoàn đại diện về mặt lãnh sự cho Mỹ, Úc, Canada và nhiều nước khác ở Triều Tiên.

Trước Thụy Điển, Đức, Anh và Pháp cũng đã rút phái đoàn ngoại giao khỏi Triều Tiên. Lý do được đưa ra là điều chuyển công tác và các khó khăn từ biện pháp mà Bình Nhưỡng áp dụng để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Theo thông tin chính thức của Triều Tiên, nước này chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 nào.

Từ tháng 1/2020, khi dịch bệnh chưa lây lan rộng bên ngoài Trung Quốc, Triều Tiên đã đóng cửa hoàn toàn biên giới của nước này, hủy các chuyến bay và tạm ngừng hoạt động đường sắt.

Bình Nhưỡng còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, trong đó có quy định cách ly hơn một tháng sau khi nhập cảnh.

Vào ngày 13/8, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố dỡ phong tỏa Kaesong, thành phố gần biên giới Hàn Quốc, nơi hàng nghìn người bị cách ly từ cuối tháng 7 vì nghi ngờ một người đào tẩu trở về nhiễm viêm phổi Vũ Hán. 

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Triều Tiên đã ảnh hưởng tới hoạt động của các phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Do Triều Tiên nằm dưới lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt của Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán các nước trú tại Triều Tiên thường phải nhận tiếp tế tài chính và nhu yếu phẩm từ trong nước thông qua cơ quan đại diện nước mình ở nước thứ ba, thường là Trung Quốc.

Minh Huy (t/h)